Nhiều giải pháp tài chính cho doanh nghiệp bất động sản

Diệp Anh/TTXVN 08:07 | 11/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại thời điểm kết thúc quý II, thị trường bất động sản ghi nhận còn nhiều khó khăn, giao dịch rất ít, doanh nghiệp không tìm được dòng vốn, hàng trăm dự án “bất động”. Tại đại hội cổ đông mới đây, các doanh nghiệp đặt ra nhiều vấn đề vướng mắc và đề ra nhiều giải pháp tài chính cho những vấn đề này.

Gia hạn các lô trái phiếu

Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) được gia hạn lô trái phiếu giá trị 1.000 tỷ đồng phát hành vào tháng 9/2022 thêm 21 tháng kể từ ngày đáo hạn 19/6, với lãi suất trái phiếu áp dụng từ ngày 19/6 đến ngày cuối cùng của kỳ hạn trái phiếu điều chỉnh cố định tại mức 11,5%/năm.

Trước lô trái phiếu này, Novaland cũng liên tục đạt được thoả thuận giãn nợ, gia hạn trái phiếu. Theo con số được công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, khoảng 600 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp đã được khách hàng đồng ý hoán đổi và công ty đang tiếp tục thương lượng phần còn lại. 6 tháng đầu năm, Novaland đã giảm nợ được khoảng 9.000 tỷ đồng.

Đối với doanh nghiệp có rủi ro khi áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản như Novaland, theo giới phân tích, doanh nghiệp cần thực hiện tái cấu trúc toàn diện với những kế hoạch cụ thể, giãn hoãn, bán tài sản giảm nợ, chuyển nợ thành cổ phần, thành tài sản, kiểm soát nguồn tiền…

Hiện nay, Novaland chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Tuy vậy, theo báo cáo tài chính quý I của doanh nghiệp, doanh nghiệp này có tổng dư nợ vay tài chính 62.740 tỷ đồng; trong đó, dư nợ từ 23 lô trái phiếu ngắn hạn gần 21.000 tỷ đồng, dư nợ 15 lô trái phiếu dài hạn gần 23.000 tỷ đồng.

Giữ lại lợi nhuận để đầu tư kinh doanh

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Công ty Vinhomes, Tổng Giám đốc Công ty Vinhomes Nguyễn Thu Hằng cho biết, năm 2020 và 2021 doanh nghiệp đều đề xuất chia cổ tức mặc dù giai đoạn đó bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp đánh giá 2023 là năm thách thức với cả thế giới và Việt Nam.

Vinhomes cần nguồn vốn chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư trung và dài hạn; đồng thời, cần khoản dự phòng để phát triển.Vinhomes quyết định không chia cổ tức năm 2022 để tập trung nguồn lực đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc phát triển siêu dự án cần nguồn vốn trung và dài hạn.

Cụ thể, về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, VHM dự kiến trích 5 tỷ đồng vào quỹ dự trữ theo quy định tại điều lệ công ty. Phần lợi nhuận còn lại sẽ dùng để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về kế hoạch nguồn vốn, Vinhomes dự kiến sẽ chào bán tối đa 10.000 tỷ đồng trái phiếu qua một hoặc nhiều đợt phát hành. Trái phiếu có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và tối đa không quá 60 tháng kể từ ngày phát hành lãi suất coupon (phần lãi công ty/tổ chức phát hành trái phiếu trả cho trái chủ) tối đa là 15%/năm. Tiền lãi trái phiếu được trả sau, định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần tính từ ngày phát hành tùy Hội đồng quản trị căn cứ tình hình thực tế quyết định.

Chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hỗ trợ dòng tiền

Chủ tịch Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt Nguyễn Phát Đạt thông tin tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 cho biết,  doanh nghiệp có kế hoạch chào bán hơn 67 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho tối đa 7 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong năm nay.

Hơn 670 tỷ đồng dự kiến huy động được dùng để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu mà công ty đã phát hành trong hai năm 2021-2022. Thời gian trả nợ dự kiến trong quý 3-4/2023 và năm 2024 trên cơ sở thỏa thuận giữa công ty và người sở hữu trái phiếu.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có kế hoạch phát hành tối đa hơn 134 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và tỷ lệ chào bán là 1:5,5. Tức lầ, cổ đông sở hữu một cổ phiếu được hưởng một quyền mua, mỗi 5,5 quyền mua được mua 1 cổ phiếu chào bán thêm.

Theo đó, hơn 1.343 tỷ đồng dự kiến thu được sẽ được sử dụng để triển khai các dự án của Phát Đạt và của công ty con tại Bình Định và Bình Dương.

Phát hành trái phiếu khi lãi suất hạ nhiệt

Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex) đã thông qua Nghị quyết phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng trái phiếu. Đồng thời, doanh nghiệp này hủy phương án phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu đã công bố trước đó.

Theo phương án phát hành, số tiền thu về sẽ được dùng để triển khai các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất với tổng giá trị trên 3.300 tỷ đồng.

Theo đại diện Becamax, doanh nghiệp chọn phương án phát hành này sau khi đã cân đối được nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh để hoàn tất việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Hiện doanh nghiệp không còn nhu cầu thực hiện gói trái phiếu 1.000 tỷ đồng với mục đích phát là để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Ngoài ra, trong tình hình lãi suất thị trường có xu hướng hạ nhiệt, việc Becamex quyết định phát hành gói trái phiếu 2.000 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ có lợi, có thêm nguồn vốn với lãi suất tốt hơn để đầu tư, thực hiện dự án mới.

Theo báo cáo tài chính gần đây nhất, tính đến cuối quý I/2023, Becamax có khoản trái phiếu đến hạn phải trả 918 tỷ đồng, với trái chủ là Công ty Chứng khoán BSC gần 400 tỷ đồng và cá nhân là 518 tỷ đồng. Số trái phiếu này đã được tất toán trong tháng 6/2023.

Trên thị trường niêm yết, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có phiên giao dịch thăng hoa trong hôm nay (10/7). Theo đó, PDR dư mua trần từ thời điểm mở cửa, NHA, NTL, CTI cũng đồng loạt tăng trần, NVL, DXG, DIG, CRE, DXS… cũng tăng khoảng 3%.

Theo các chuyên gia, về mặt kỹ thuật, nhóm cổ phiếu này bật tăng sau khi đã có sự tích lũy chặt chẽ trong 1 tháng qua.

Cùng với đó, dù chưa rõ ràng nhưng nhiều doanh nghiệp có thông tin hỗ trợ liên quan đến nguồn vốn và các khoản trái phiếu đến hạn. Như CEO, cuối tháng này sẽ phát hành thêm cổ phiếu để thu hút thêm vốn hay CII đã mua lại hơn 640 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.