Nhiều hoạt động chào mừng 10 năm Cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt
10 năm qua, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã truyền tải đến người tiêu dùng những thông tin đầy đủ, chính xác hơn về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, từ đó thay đổi tâm lý, hành vi tiêu dùng theo hướng lành mạnh hơn.
“Những hoạt động của ngành Công Thương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước sắp xếp, đổi mới, phát triển và cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm việc làm cho người Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn, hạn chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội”, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định khi đánh giá về ý nghĩa của Cuộc vận động.
Đó là tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế. Báo cáo của các Sở Công Thương cho thấy, hàng Việt vẫn chiếm tỉ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.
Bên cạnh đó, Cuộc vận động đã phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỉ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỉ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỉ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm của ngành dệt may nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm…).
Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây.
Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Công Thương thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, cháy hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.
Tiếp tục lan tỏa và khích lệ
Tại Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam 2019 và Lễ Chào mừng 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường… nhằm lan tỏa, khích lệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng mạnh mẽ hơn.
“Cuộc vận động tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu; theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói.
Tiếp đó, đoàn đại biểu sẽ báo cáo lãnh đạo Đảng Nhà nước về kết quả 10 năm thực hiện Cuộc vận động.
Từ 21 đến 22/5, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp sẽ giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua triển lãm; các CEO, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.
Các điển hình tiên tiến trong Cuộc vận động được tôn vinh, nhiều hoạt động kết nối cung cầu, giảm giá diễn ra trên toàn quốc cũng sẽ diễn ra tại chuỗi sự kiện này.