Nhiều tập đoàn của Trung Quốc muốn tham gia các dự án đường sắt lớn của Việt Nam
Nghiên cứu triển khai dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc là tổng thầu thi công công trình xây dựng cơ bản bao gồm: Đường sắt, đường bộ, thị chính, giao thông đường sắt đô thị, thủy lợi, thủy điện, sân bay, cảng biển, bến cảng, chế tạo thiết bị công nghiệp và linh phụ kiện, phát triển bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh doanh đường bộ cao tốc và đầu tư tài chính... Tính đến nay, Tập đoàn có 381 chi nhánh tại 105 quốc gia với tổng nhân viên là khoảng 290.000 người; doanh thu năm 2022 là 1.150 tỷ nhân dân tệ.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc là tổng thầu thi công dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh - Hà Đông với tổng giá trị hợp đồng EPC 640 triệu USD; dự án điện gió Đắk Nông có tổng giá trị hợp đồng 18,1 triệu USD; dự án nhà máy lốp tại Tiền Giang có tổng giá trị 5 triệu USD.
Tại cuộc tiếp, ông Trần Vân, Chủ tịch CREC đã báo cáo Thủ tướng các hoạt động của Tập đoàn tại Việt Nam; cho biết Tập đoàn mong muốn tham gia đầu tư xây dựng các dự án đường sắt nằm trong Quy hoạch được Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt.
Thủ tướng đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc trên toàn cầu, ghi nhận kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam của Tập đoàn và khẳng định Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong các đột phá chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, bao gồm đường sắt. Thủ tướng và ngài Chủ tịch đã trao đổi về khả năng nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng khoảng 388 km.
Hoan nghênh khả năng Tập đoàn tham gia dự án này, Thủ tướng đề nghị ngay sau cuộc tiếp, các cơ quan Việt Nam như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn trao đổi cụ thể về khả năng triển khai dự án trong thiết kế, thu xếp nguồn vốn, thi công, quản lý… theo hình thức phù hợp nhất, có lợi nhất cho hai bên. Chính phủ sẽ có ý kiến về những vấn đề thuộc thẩm quyền. Tinh thần là bảo đảm tiến độ và chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, có hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Hoan nghênh PowerChina tham gia các dự án hạ tầng và năng lượng tại Việt Nam
PowerChina có năng lực tích hợp vừa cung cấp đầu tư và tài chính, thiết kế quy hoạch, xây dựng kỹ thuật, sản xuất thiết bị và quản lý vận hành cho năng lượng sạch và ít carbon, tài nguyên nước, môi trường và cơ sở hạ tầng. Tập đoàn xếp thứ 100 trong danh sách Fortune Global 500 và đứng thứ 29/500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc năm 2022.
PowerChina vào thị trường Việt Nam từ năm 2000, tham gia xây dựng các dự án thuỷ điện Lai Châu, Sơn La, Trung tâm nhiệt điện duyên hải Vĩnh Tân, là tổng thầu các dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 7 GW. Tổng giá trị hợp đồng của các dự án nêu trên đạt hơn 6,5 tỷ USD.
Tại buổi tiếp, lãnh đạo tập đoàn báo cáo Thủ tướng các hoạt động của PowerChina tại Việt Nam, kế hoạch đầu tư các dự án điện và tham gia đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh của Power China trên toàn cầu; hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của Tập đoàn trong thời gian tới, phù hợp với đột phá chiến lược của Việt Nam về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng với phía Việt Nam để triển khai các dự án trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, nhất là phát triển điện gió, điện mặt trời một cách đồng bộ cả nguồn và tải với giá thành phù hợp.
Thủ tướng cũng hoan nghênh Tập đoàn tham gia triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam với hình thức phù hợp, đề nghị Tập đoàn trao đổi với các cơ quan chức năng phía Việt Nam để tìm phương án làm ngay, bảo đảm khả thi, có hiệu quả cụ thể.
Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng nhấn mạnh việc hợp tác triển khai các dự án hạ tầng kết nối Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có các dự án đường sắt tốc độ cao mà 2 tập đoàn quan tâm, đã có cơ sở chính trị là quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Các dự án này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong hai hành lang kinh tế "Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng", "Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng" và "vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ", tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc. Điều quan trọng là triển khai cụ thể các dự án này để mang lại lợi ích thiết thực cho các bên trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ rủi ro.