Nhiều thí sinh lựa chọn ngành kinh doanh và quản lý, liệu cơ hội việc làm của ngành này thế nào?
Ngày 18/5, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công bố thống kê nguyện vọng của 15 nhóm ngành, trong đó số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào nhóm ngành kinh doanh và quản lý là 1,2 triệu thí sinh chiếm 32% trong tổng số 3,8 triệu lượt đăng ký. Tiếp đó, nhóm ngành này cũng đứng vị trí thứ 6 trong những nhóm ngành hút thí sinh đăng ký.
Trong những năm trở lại đây kinh tế nước ta ngày càng phát triển, các công ty, doanh nghiệp thành lập mới ngày càng nhiều, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam những năm gần đây tăng không ngừng, vì thế thị trường lao động cũng đòi hỏi về nhu cầu nhân lực nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý ngày càng cao. Chính vậy cho nên nhóm ngành này luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo thí sinh trong những năm gần đây.
Ngành Kinh doanh và Quản lý chiếm 32% tổng số nguyện vọng đăng ký
Điều này cũng đặt ra câu hỏi với số lượng đăng ký như vậy, thì cơ hội việc làm của nhóm ngành này như thế nào?
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý đang chiếm 20% tổng nhu cầu về nhân lực trên thị trường lao động. Ở các đô thị lớn con số này còn lên tới 30%.
Vì thế, việc số thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý chiếm tỉ lệ cao nhất cũng phù hợp với xu hướng của của thị trường lao động đang cần trong tương lai.
Trả lời trên báo Lao Động TS Nguyễn Ngọc Duy Phương - Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Quốc tế cũng nhận định cơ hội việc làm của ngành Kinh doanh và Quản lý rất cao.
Theo ông Phương nhóm ngành này rất rộng và có nhiều nhân sự trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhóm các chuyên ngành liên quan đến quản trị như quản trị kinh doanh, quản trị lữ hành, quản trị nguồn nhân lực, kinh doanh quốc tế, thương mại, ngoại thương, marketing, logistics … Ngành này cung cấp kiến thức và kỹ năng giúp người theo học trở thành nhà quản trị trong tương lai.
Ông cũng cho biết, những năm gần đây nắm bắt nhu cầu của thị trường các trường đại học đề nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm sinh viên còn được nâng cao các kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn thông qua các chương trình, cuộc thi học thuật, các workshop chuyên đề,... để chuẩn bị hành trang nghề nghiệp vững vàng.
Bên cạnh đó, nhiều trường đại học cũng đẩy mạnh tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, qua đó vấn đề việc làm không còn là trăn trở của sinh viên.
Theo ông Phương, Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sinh viên phải có khả năng thích ứng cao, trong đó ngoại ngữ đóng vai trò rất quan trọng, là điều kiện mở rộng cơ hội việc làm tốt. Để đáp ứng được nhu cầu công việc sau này, sinh viên cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả.
Ông Phương cũng dự báo, điểm chuẩn của nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý năm nay sẽ được đẩy lên khá cao. Theo phân tích của ông Phương, hiện nay các trường dành chỉ tiêu cho nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Do đó, chỉ tiêu phương thức xét điểm thi còn khá ít và xu hướng cấu trúc đề thi năm nay khá nhẹ nên điểm chuẩn của ngành này sẽ tăng cao.
H.A
Xem thêm: Tỷ lệ phụ nữ có việc làm tại Việt Nam cao nhất ĐNA