Nhiều ý kiến về Dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia
Sáng 24/5, bên lề hàng lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lên tiếng về phát biểu gây tranh cãi trước đó trong phiên thảo luận về Dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia hôm 23/5.
Ông Quốc nhấn mạnh mình không đại diện cho bất cứ lợi ích nhóm nào, khẳng định bản thân sẵn sàng bảo vệ ngành rượu bia Việt Nam để nó có thể đóng góp, phát triển tích cực.
Vị Đại biểu Đồng Nai cho rằng điều bất cập nhất trong Dự luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nằm ở ngay tên của nó. Chúng ta đang né tránh vấn đề cốt lõi là năng lực kiểm soát, không lấy con người là chính mà chỉ lấy chế tài.
"Cái sai là giao cho Bộ Y tế xây dựng Dự luật. Nhưng không trách được Bộ Y tế vì họ đứng ở góc độ là người giải quyết hậu quả. Mặc dù vậy đây là tờ trình của Chính phủ, không phải của Bộ Y tế. Lẽ ra bền vững nhất là phải giao cho Bộ Văn hóa", ông Quốc cho hay.
Theo ông Quốc, vấn đề văn hóa trong uống rượu bia là đặc biệt quan trọng. Nhiều đại biểu cảnh báo nếu không cải thiện được yếu tố văn hóa thì người dân lại xài các loại rượu bia ngoài luồng, nhập lậu.
Thực trạng sử dụng rượu bia tràn lan gây tình trạng vi phạm an toàn giao thông đến mức báo động. Nhưng nếu nói là do rượu bia tức là đang "đổ vấy" bởi rượu bia chỉ là một phần, còn có các nguyên nhân liên quan tới đường sá, đào tạo lái xe và nhiều yếu tố khác.
"Nguyên nhân không hoàn toàn vì rượu mà còn bởi người uống rượu. Phải điều chỉnh hành vi con người, chứ không phải điều chỉnh hành vi của "rượu"", ông Quốc cho biết.
Vị đại biểu Quốc hội cho rằng thay vì "Luật Phòng chống tác hại của rượu bia", nên đổi thành "Luật Kiểm soát bia, rượu".
"Cái mù mờ nhất của dự thảo luật là cứ nói nhiều nước có luật tương tự. Nhưng thử hỏi có nước nào làm luật là chống tác hại của rượu bia không?
Trước đó, trong phiên thảo luận về dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sáng 23/5, ông Quốc cho rằng cách tiếp cận luật này hiện giờ là sai.
"Chúng ta phải tiếp cận xây dựng Luật từ góc độ văn hoá. Uống rượu bia là văn hoá của cả nhân loại rồi, sao lại đưa nó lên đoạn đầu đài thế này. Liệu 'uống rượu bia có hại cho sức khoẻ' có phải là thông điệp của thế giới không? Nếu chúng ta cứ nhìn ở góc độ đó thì mãi mãi không khả thi, không thực tế, đi ngược lại xu thế của thế giới.
Chúng ta cần có lộ trình đúng đắn, nhìn nhận khách quan, phù hợp với xu thế, đừng cực đoạn, cục bộ thì luật sẽ không có gây hiệu ứng xã hội", đại biểu Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
ĐB Bùi Thu Hằng: Tước bằng vĩnh viễn lái xe uống rượu bia gây tai nạn
Đây là đề xuất được đại biểu Bùi Thu Hằng (đoàn Hoà Bình) tại buổi thảo luận về Dự án Luật Phòng chống tác hại của bia, rượu .
Cụ thể, Đại biểu Bùi Thu Hằng đề nghị bổ sung thêm hình thức tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng và hình thức phạt tù không được hưởng án treo trong trường hợplái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn.
Bà Hằng cho rằng hơn lúc nào hết, tác hại của rượu, bia ở Việt Nam hiện nay đã lên đến đỉnh điểm, với hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, các vụ bạo lực gia đình, hiếp dâm xảy ra liên tục gây bức xúc dư luận. Người dân cảm thấy lo lắng khi sự an toàn của bản thân, gia đình, đặc biệt là sự an toàn của trẻ nhỏ bị đe dọa bởi những "ma men" dẫn lối.
Bên cạnh đó, gánh nặng bệnh tật có nguyên nhân từ rượu, bia tăng rất nhanh, trong khi lượng tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam không ngừng gia tăng, vượt qua mọi dự báo.
Cụ thể, nếu Bộ Công Thương dự báo năm 2025 sản lượng bia là 4,6 tỷ lít bia và rượu là 350 triệu lít thì ngay trong năm 2018 ngành sản xuất rượu, bia của Việt Nam đã vượt qua con số này, với 4,67 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu.
"Hơn lúc nào hết, cử tri mong mỏi có một đạo luật đủ mạnh để kiểm soát, giải quyết được thực trạng sử dụng rượu bia đang ở mức báo động và tác hại ngày càng nghiêm trọng", bà Hằng bày tỏ.
Nữ đại biểu Hoà Bình cũng phân tích nhiều nội dung tại Điều 11, dự thảo luật quy định việc khuyến mại rượu bia dưới 15 độ cồn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về khuyến mại.
"Theo tôi với quy định dẫn chiếu đến pháp luật về khuyến mại như hiện nay sẽ không đảm bảo đúng mục tiêu là giảm tiêu thụ rượu, bia và giảm tính sẵn có của rượu, bia, coi như không có quy định nào mới. Tôi đề nghị phải cấm hình thức khuyến mại rượu, bia để khuyến mại cho người tiêu dùng mới bảo đảm hạn chế thúc đẩy việc sử dụng rượu, bia và giảm được mức độ tiêu thụ rượu, bia", bà Hằng nói.
Bên cạnh đó, bà Hằng cũng góp ý cho Điều 12 quy định về quản lý việc quảng cáo rượu bia dưới 5,5 độ cồn. Bà quy định phải bổ sung biện pháp quản lý chặt chẽ hơn với phương tiện quảng cáo này, cụ thể là Ban soạn thảo cân nhắc cấm quảng cáo rượu, bia trong khoảng thời gian từ 18h đến 21h để hạn chế sự tiếp cận của giới trẻ với các quảng cáo.
Sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn chết người là tội giết người
Trao đổi bên hàng lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng hành động uống rượu bia, sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông rồi gây tai nạn chết người là tội giết người chứ không phải là hành động bất khả kháng.
Theo ông Hòa, để loại bỏ tình trạng này, trước tiên cần phải có cách hình thức tuyên truyền, vận động để chính những người tham gia giao thông nhận thức được tác hại của rượu bia đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Vị chuyên gia này đề xuất có thể là nâng mức xử phạt hành chính với các trường hợp vi phạm, phạt tù với mức án cao hơn.
"Nên giáo dục, truyên truyền, xử phạt hành chính, phân chia các mức xử phạt: xử phạt lần đầu, xử phạt lần hai hoặc tước bằng lái xe vĩnh viễn", ông Hòa đề xuất.
Cân nhắc "trường hợp đặc biệt" trong quy định cấm, uống rượu bia giờ hành chính
Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Giàng A Chu tỏ ra băn khoăn về địa điểm không được bán, uống rượu bia như trong dự thảo luật bổ sung là trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp.
Theo ông Chu, việc đưa các địa điểm này vào danh sách cấm là không mấy khả thi mà chỉ tính tới tính công bằng xã hội.
"Trụ sở cơ quan tổ chức nhà nước, doanh nghiệp là nơi làm việc chỉ nên quy định không được uống rượu bia vào giờ hành chính. Ngoài giờ vẫn có quyền tiếp khách, giao lưu. Nếu cấm ở các cơ quan này, người ta vẫn có thể kéo ra quán để uống thì chung quy lại vẫn là uống rượu, uống bia", ông Chu phân tích.
Cũng liên quan tới quy định mới trong dự luật bổ sung, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn lại Khoản 11 Điều 5 nêu rõ: "Cán bộ công chức, người lao động, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang trong các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và học sinh, sinh viên không uống trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca làm việc, thời gian học tập trừ trường hợp đặc biệt".
Ông Tuyết cho rằng nên cân nhắc có nên đưa "trường hợp đặc biệt" vào dự luật hay không. Theo ông Tuyết, trong dự thảo nghị định Chính phủ gửi chưa quy định như thế nào là trường hợp đặc biệt. Vì vậy, nếu như không nêu rõ trường hợp đặc biệt nào, có thể xảy ra lách luật để vẫn uống rượu bia trong giờ làm việc mà viện dẫn trường hợp đặc biệt đó.