Nhìn lại bức tranh ngân hàng 9 tháng năm 2022 (Phần 2)
Kết quả kinh doanh
Trong BXH top 10 ngân hàng TMCP có lợi nhuận trước thuế cao nhất 9 tháng 2022, có tới 7 ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng, lần lượt là Vietcombank (24.940 tỷ đồng), Techcombank (20.800 tỷ đồng), VPBank (19.837 tỷ đồng), MB (18.192 tỷ đồng), BIDV (17.677 tỷ đồng), VietinBank (15.764 tỷ đồng) và ACB (13.503 tỷ đồng).
Cũng nằm trong top 10 ngân hàng TMCP báo lãi trước thuế cao nhất toàn hệ thống, 3 cái tên còn lại lần lượt là SHB (9.035 tỷ đồng), HDBank (8.016 tỷ đồng) và VIB (7.800 tỷ đồng).
Như vậy, so với top 10 lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng TMCP cùng kỳ năm 2021, bảng xếp hạng năm nay vẫn là những cái tên quen thuộc, tuy nhiên thứ hạng có một số thay đổi. Chẳng hạn, VPBank tăng 2 bậc lên vị trí thứ 3 nhờ nguồn thu đột biến từ thỏa thuận độc quyền với bảo hiểm AIA. Hay SHB từ đứng trót bảng cũng tăng 2 bậc lên vị trí thứ 8 nhờ mức tăng lợi nhuận lên tới 79% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, chiếm chủ yếu trong tổng thu nhập của các ngân hàng 9 tháng năm 2022 vẫn là Thu nhập lãi thuần. Riêng với các ngân hàng trong top 10 tổng thu nhập lớn nhất là BIDV, Vietcombank, Vietinbank, VPBank, MB, Techcombank, ACB, Sacombank, HDBank và SHB thì Thu nhập lãi thuần đạt khoảng 249.000 tỷ đồng, tương đương 77% Tổng thu nhập hoạt động và tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng đó, Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh trong kỳ, với Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của 10 nhà băng có tổng thu nhập lớn nhất đạt hơn 35.500 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% vào Tổng thu nhập.
9 tháng năm 2022, Techcombank đã vượt qua Vietcombank trở thành ngân hàng có Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cao nhất với 5.993 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là VPBank với mức Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh gần 60% lên 4.557 tỷ đồng, và ở vị trí thứ 3 là Vietcombank dù Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này đã giảm gần 10% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 4.508 tỷ đồng.
Rủi ro nợ xấu tăng lên
Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã chấm dứt từ ngày 30/6/2022. Thực tế từ báo cáo tài chính quý III đã công bố cho thấy, chỉ 3 tháng sau khi Thông tư 14 kết thúc, rủi ro nợ xấu đang tăng lên tại nhiều ngân hàng.
Trong top 10 ngân hàng TMCP có dư nợ cho vay lớn nhất 9 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đã tăng tại 7 ngân hàng. Chỉ có 3 ngân hàng trong top 10 ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cải thiện so với cuối năm 2021 là Sacombank, HDBank và Techcombank.
Nếu xét về con số nợ xấu tuyệt đối, chỉ có 5/26 ngân hàng TMCP trong thống kê dưới đây ghi nhận nợ xấu giảm so với thời điểm cuối năm 2021 là Sacombank (-34%), BacA Bank (-17%), VietA Bank (-7%) và MSB (-5%). Còn lại, 21/26 ngân hàng còn lại ghi nhận nợ xấu tăng, đáng chú ý có những ngân hàng nợ xấu tăng vọt ba chữ số như NCB (+432%) và OCB (+107%).
Nhìn sâu hơn vào cơ cấu nợ xấu, có thể thấy chỉ 10/26 ngân hàng ghi nhận nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) tăng so với cuối năm ngoái, tuy nhiên nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng tại 15/26 ngân hàng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tại 24/26 ngân hàng. Đáng chú ý, một số nhà băng ghi nhận nợ nhóm 5 tăng ba con số, chẳng hạn NCB (+ 191%), VPBank (+177%), OCB (+132%), VietinBank (+139%), ACB (+131%), TPBank (+134%).
Theo NCB, ngân hàng có nợ xấu tăng bằng lần ở cả 3 nhóm nợ, và tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 3% vào cuối năm 2021 lên 14,72% vào 30/9/2022, thì nợ xấu toàn hệ thống đang có xu hướng tăng mạnh từ những tháng đầu năm 2022 khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 hết hạn.
NCB cho biết trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng cũng đã xử lý và thu hồi nợ tồn đọng; tăng cường trích lập dự phòng rủi ro với những khoản nợ có khả năng chuyển xấu và phân loại khách hàng đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của Thông tư 14. Việc ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với nợ quá hạn, nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại cũng là một phần nguyên nhân khiến nhà băng này lỗ trước thuế 180 tỷ đồng trong 9 tháng.
Trong bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng báo cáo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng ba chữ số như LienVietPost Bank (+110%), PG Bank (+137%), Sacombank (+130%), VietBank (+165%), Kienlong Bank (+521%).
Tính riêng dự phỏng rủi ro cho vay khách hàng, có 21/26 ngân hàng ghi nhận dự phòng tăng so với cuối năm 2021. Chỉ một số ít ngân hàng hàng giảm dự phòng rủi ro như Sacombank (-16%), ACB (-5%), MSB (-5%), Bac A Bank (-3%) và Eximbank giảm nhẹ (-0,1%), tuy nhiên đây đều là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp hoặc trung bình. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng cao cũng đã gia tăng dự phỏng rủi ro cho vay khách hàng, chẳng hạn NCB (+31%), VPBank (+27%), SHB (+40%)....
Dù vậy, so với thời điểm cuối năm ngoái, tỷ lệ bao nợ xấu đến hết quý III lại giảm tại 13/26 ngân hàng.