Nhìn lại bức tranh ngân hàng 9 tháng năm 2022 (Phần 1)

Diên Vỹ 15:15 | 18/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng tài sản toàn ngành ngân hàng tính đến hết quý III/2022 đạt hơn 11,5 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. Thứ hạng top 3 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong số các ngân hàng TMCP không đổi, lần lượt là BIDV, VietinBank và Vietcombank. Trong khi đó, 7 vị trí còn lại trong top 10 chứng kiến nhiều biến động.

Tổng tài sản

 

Hết quý III/2022, dẫn đầu nhóm ngân hàng TMCP quy mô tổng tài sản lớn nhất toàn hệ thống vẫn là nhóm Big4 (trừ Agribank) với vị trí quán quân là BIDV. Ngân hàng này vừa trở thành nhà băng đầu tiên của Việt Nam có tổng tài sản lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 16,7% so với cuối năm trước.

Vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Vietcombank và Vietinbank với tổng tài sản đạt 1,75 triệu tỷ và 1,65 triệu tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 17% so với đầu năm. Ở vị trí thứ 4, Techcombank vươn lên thay thế MB với tổng tài sản 671.354 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Lùi 1 bậc, MB đứng ở vị trí thứ 5 bảng xếp hạng với quy mô tổng tài sản 656.804 tỷ đồng, tăng 8%.

Top 5 vị trí còn lại lần lượt thuộc về VPBank, Sacombank, ACB, SHB và HDBank. 

Như vậy, 10 cái tên trong BXH tổng tài sản ngân hàng TMCP tính đến hết quý III/2022 vẫn giữ nguyên, chỉ có thứ hạng là ghi nhận biến động. Tổng quy mô tài sản của cả 10 nhà băng này đạt gần 9,4 triệu tỷ đồng, tăng từ mức 8,4 triệu tỷ đồng hồi đầu năm, tức tăng 12,3%.

Vốn chủ sở hữu

 

Tính đến cuối quý III/2022, có tới 5 ngân hàng TMCP trong hệ thống ghi nhận vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng.

Vietcombank tiếp tục là ngân hàng TMCP có vốn chủ sở hữu lớn nhất toàn hệ thống (128.389 tỷ đồng) sau khi tăng vốn hơn 19.000 tỷ đồng. Ở vị trí thứ hai là Techcombank với vốn chủ sở hữu tăng lên 109.899 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu kỳ và vị trí thứ ba là VietinBank với vốn chủ sở hữu 106.108 tỷ đồng, tăng 13%.

VPBank và BIDV là hai ngân hàng còn lại đã tăng vốn chủ vượt 100.000 tỷ đồng tính đến cuối quý III, từ mức khoảng 86.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.

Về vốn điều lệ, 9 tháng đầu năm, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ)...

Về phía các ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ một mặt để tăng cường năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, mặt khác để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025.

 

Ở top 10 ngân hàng vốn điều lệ lớn nhất toàn hệ thống tính đến hết quý III, Vietcombank là ngân hàng ghi nhận mức tăng vốn điều lệ lớn nhất so với đầu năm (gần 28%) lên 47.325 tỷ đồng. Ngoài ra, VIB với mức tăng vốn điều lệ gần 36% đã chính thức chen chân vào top 10, đẩy Sacombank bật ra khỏi bảng xếp hạng.

Từ nay đến cuối năm, NHNN cho hay đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho ba ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank.

Nợ phải trả

 

Thông thường, ngân hàng nào có quy mô vốn chủ sở hữu càng lớn thì ngân hàng đó càng có điều kiện để (nhưng không nhất thiết) huy động thêm vốn vay, nợ nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh. Theo đó, dù có sự hoán đổi nhất định, song những cái tên trên BXH top 10 ngân hàng TMCP có tổng nợ phải trả nhiều nhất cũng bao gồm những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất..

Nhóm 10 ngân hàng TMCP có dư nợ cho vay lớn nhất tính đến hết quý III lần lượt gọi tên BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, SHB và cuối cùng là HDBank.

 

Dẫn đầu BXH dư nợ tín dụng 9 tháng đầu năm tiếp tục là ba ngân hàng nhóm quốc doanh, trong đó BIDV là nhà băng có dư nợ lớn nhất toàn hệ thống với hơn 1,45 triệu tỷ đồng. Ở vị trí thứ 2, dư nợ cho vay của VietinBank hiện là 1,21 triệu tỷ đồng và ở vị trí thứ ba là Vietcombank với 1,09 triệu tỷ đồng.

Nhóm 10 ngân hàng TMCP có lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất tính đến hết quý III/2022 lần lượt là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank, ACB, MB, SHB, Techcombank, VPBank và HDBank.

 

Tương ứng cơ cấu dư nợ tín dụng, dẫn đầu BXH hút tiền gửi khách hàng 9 tháng đầu năm tiếp tục là ba ngân hàng nhóm quốc doanh, trong đó BIDV là nhà băng huy động được nhiều tiền gửi nhất hệ thống với gần 1,4 triệu tỷ đồng. Ở vị trí thứ 2 và thứ 3, Vietcombank và VietinBank đang bám đuổi sát nút với số dư tiền gửi khách hàng lần lượt là 1,19 triệu tỷ đồng và 1,18 triệu tỷ đồng. Chỉ riêng lượng tiền gửi của ba nhà băng này đã lên tới gần 3,8 triệu tỷ, tương đương gần 60% tổng lượng tiền gửi của cả top 10.