Như thế nào là hàng ‘made in Vietnam’ - Có ai hiểu rõ?

20:58 | 30/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sản phẩm ‘Made in Vietnam’ vẫn luôn được khuyến khích, ủng hộ. Nhưng thế nào mới được coi là ‘Made in Vietnam’? Đây vẫn là vấn đề mà lâu nay không ít người thắc mắc.
‘Made in Vietnam’ là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam hay chỉ cần có công nghệ sản xuất, sáng tạo của người Việt Nam là đủ? Từ trước đến nay, thế nào là hàng "made in Vietnam" là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Theo Nghị định 43/2017, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ. Các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa phải tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ, dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là trung thực. Thế nhưng việc cho phép doanh nghiệp "tự nguyện" ghi nhãn hàng hoá trong khi chưa có tiêu chí xác định cụ thể thế nào là hàng Việt, là hàng ‘Made in Vietnam’... đã dẫn đến thực tế có không ít doanh nghiệp ghi nhãn tùy tiện, lợi dụng các mác ‘Made in Vietnam’. Ví dụ rất nổi tiếng trong mấy năm qua có thể kể đến Lụa Khaisilk - một thương hiệu rất nhiều năm đình đám vì quảng cáo là lụa Việt nhưng cuối cùng bị phát hiện là made in… China.
 
Như thế nào là hàng ‘made in Vietnam’ - Có ai hiểu rõ? - ảnh 1
‘Made in Vietnam’ là sản phẩm của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam?

Gần đây, Bộ Công Thương đã có Tờ trình kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ này chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam để gỡ rối vấn đề trên. Nhu cầu thể hiện xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa trong bối cảnh mới có thông lệ quốc tế mới là rất cấp thiết. Sự hình thành các chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong đó có thể có nhiều nước cùng tham gia sản xuất một sản phẩm, đã và đang tạo ra những thay đổi trong cách ghi xuất xứ, nguồn gốc của hàng hóa.

Ngoài các cách ghi nhãn mác hàng hóa truyền thống quen thuộc kiểu “Sản phẩm của…”, “Sản xuất tại…”, hiện nay cũng đã xuất hiện cách ghi khác thể hiện chính xác hơn nguồn gốc sản phẩm, như “lắp ráp tại (quốc gia, vùng lãnh thổ)”, hay “chế tạo bởi (tên công ty, tập đoàn)”. 

Nghị định mới dự kiến quy định tiêu chí đầy đủ, cụ thể để xác định một hàng hóa nào đó là “Sản phẩm của Việt Nam” hoặc “Sản xuất tại Việt Nam”. Tức 2 khái niệm này có thể sẽ có sự khác biệt. Các quy định phương thức thể hiện nội dung sản phẩm của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa cũng sẽ được nêu rõ.
 
Song song với đó, Bộ Công thương cũng mong muốn có thể ban hành được nguyên tắc quản lý việc thể hiện sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, chứng từ thương mại liên quan. Các biện pháp chống gian lận trong việc thể hiện sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam cũng được xem xét.
 
Như thế nào là hàng ‘made in Vietnam’ - Có ai hiểu rõ? - ảnh 2
Cái mác 'Made in Vietnam' là cách nhiều thương hiệu dùng để quảng bá sản phẩm, đánh vào tâm lý người Việt dùng hàng Việt
 
Thực chất, vào tháng 8 năm 2019, Bộ Công thương cũng từng có dự thảo Thông tư liên quan đến việc quy định đâu là hàng ‘Made in Vietnam’. Nhưng đến nay thông tư này vẫn chưa được quyết định. Thay vào đó, Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” nhiều khả năng sẽ được xây dựng dựa trên dự thảo Thông tư của năm ngoái. 

Theo dự thảo Thông tư này, các trường hợp được coi là hàng hóa ‘Made in Vietnam’ sẽ được áp dụng khi hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, ví dụ như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản…

Còn với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số hàng hoá (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng thì cũng được coi là sản phẩm 'Made in Vietnam'.
  • Tiêu chí về chuyển đổi mã số hàng hoá: hàng hóa có thể làm từ 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định xuất xứ trong quá trình sản xuất, miễn là quy trình đó vượt qua công đoạn gia công đơn giản.

  • Tiêu chí về hàm lượng giá trị gia tăng: Trường hợp 1 là nếu hàng có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng, thì được coi là hàng 'Made in Vietnam'. Trường hợp 2 là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.

Kim Chi 

Xem thêm: Nông sản Tây Nguyên sang EU: Vẫn còn nhiều khó khăn