Những cải cách quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp 2020

13:13 | 22/07/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 với mục tiêu cụ thể là tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh...
Với mục tiêu hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4, ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14.
Những cải cách quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp 2020 - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI 
Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có 10 chương, 218 điều với mục tiêu cụ thể là tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới). Nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhàđầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhàđầu tư lên ít nhất 20 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối. Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Những cải cách quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đó là: Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; Nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến; Nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; Thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; Tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.
Cụ thể, Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống”. Thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay. Luật mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ. Bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp.
Luật sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước để xác định rõ loại doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp. Bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước. Bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu (NVDR) đa dạng hóa thêm sản phẩm giao dịch cho thị trường chứng khoán. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội lớn hơn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.
Luật giúp tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp thông qua việc bảo đảm tương thích với Luật Cạnh tranh 2018 đối với các quy định về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp. Bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần (thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành).
Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021./.