Những chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 10/2018

18:43 | 02/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo; Thay đổi về thủ tục đăng ký doanh nghiệp; Dùng tay trần bán thức ăn bị phạt đến 1 triệu đồng... là những chính sách mới trong lĩnh vực kinh tế sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2018.

Những chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 10/2018 - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nới lỏng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (1/10), được xem là đã "cởi trói" cho các doanh nghiệp trong ngành, với nhiều điều kiện được "nới lỏng" hơn. 

Cụ thể, Nghị định đã gỡ bỏ yêu cầu quy mô kho chuyên dùng tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ, bỏ quy định về lượng gạo tồn kho và giảm tỷ lệ dự trữ lưu thông từ 10% xuống 5%... 

Nghị định mới được thi hành kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu gạo quý cuối năm sôi động hơn.

Thay đổi về thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10/10/2018.

Theo đó, một số quy định được bổ sung bao gồm: doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và trong nghị quyết, quyết định, biên bản họp của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, hồ sơ gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ khác tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

Ngoài ra, nghị định mới bỏ quy định về việc doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.

Dùng tay trần bán thức ăn bị phạt đến 1 triệu đồng

Từ ngày 20/10 tới, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng theo Nghị định 115/2018 của Chính phủ.

Người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 300.000-500.000 đồng)…

Phạt 5-10 triệu đồng với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có khuyến cáo thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh…Phạt 1-3 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay…