Những chính sách mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 3/2021

21:40 | 04/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những điểm đáng chú ý về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới; quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2021.
Theo BNews những điểm đáng chú ý về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới; Quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2021.
 
Những chính sách mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 3/2021 - ảnh 1
Những chính sách mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 3/2021 (ảnh minh họa)
 
* Quy định nộp chứng nhận xuất xứ hàng nhập khẩu trong Hiệp định EVFTA
 
Thông tư 07/2021/TT-BTC quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA). Thông tư quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu như sau:
 
a) Người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
 
b) Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA, người khai hải quan phải khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan nhập khẩu và được khai bổ sung, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn không quá 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
 
c) Trường hợp người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ sau thời hạn hiệu lực quy định tại điểm b nêu trên vì lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu hoặc các trường hợp xuất trình muộn khác, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xem xét, quyết định việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA đối với các trường hợp cụ thể. Đối với trường hợp xuất trình muộn khác, hàng hóa phải được nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
 
Việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA thực hiện theo Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 05/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
 
Những điểm đáng chú ý về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới
 
Theo Thời Báo tài Chính cho biết nghị định số 03/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/01/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới. Nghị định có hiệu lực từ 01/03/2021
 
Nghị định số 03/2021/NĐ-CP nêu rõ, trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định.
 
Về mức phí bảo hiểm, căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm. Mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.
 
Về thời hạn bảo hiểm, Nghị định quy định đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 01 năm và tối đa là 03 năm.
 
Vi phạm quy định về tuyển sinh có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
 
Ngày 22/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, các vi phạm về tuyển sinh có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.
 
Nghị định số 04/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/03/2021
 
Quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay
 
Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ban hành ngày 25/01/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay có hiệu lực từ ngày 10/03/2021.
 
Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam bao gồm: Nguyên tắc và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay; quy hoạch và thực hiện quy hoạch cảng hàng không sân bay; mở, đóng cảng hàng không, sân bay; cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay, giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay...
 
Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025
 
Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ban hành ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Nghị định có hiệu lực từ 15/03/2021.
 
Theo đó, với chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021, từ ngày 1/1/2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Nghị định cũng quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025.
 
Trong đó, về chuẩn hộ nghèo, khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
 
Chuẩn hộ cận nghèo: Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
 
Bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa
 
Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, trong đó quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa. Nghị định có hiệu lực từ 15/03/2021.
 
Trong đó, về bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chủ dự án các công trình xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
 
Bên cạnh đó, xác định và bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong tổng mức đầu tư của dự án; đưa biện pháp xử lý chất thải, biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận vào thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu, hợp đồng với các nhà thầu thi công xây dựng của dự án...
 
Quy định mới về giao khu vực biển
 
Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Nghị định có hiệu lực từ 30/03/2021.
 
Nghị định trên quy định việc giao các khu vực biển nhất định từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật
 
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/3/2021.
 
Nguyễn Triệu