Những chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4
Thêm phí hải quan mới, miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu theo điều ước quốc tế, vi phạm về xử lý chất thải chăn nuôi, phạt đến 20 triệu đồng… là những chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4.
Thêm một loại phí hải quan mới
Thông tư 14/2021/TT-BTC đã bổ sung một loại phí hải quan mới là phí cấp, cấp lại sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất, tái nhập theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP.
Mức thu phí hải quan cấp sổ ATA là 1.000.000 đồng/sổ và phí cấp lại sổ ATA là 500.000 đồng/sổ.
Ngoài bổ sung loại phí nêu trên, mức thu các loại phí khác vẫn được giữ nguyên như trước đây, trong đó có: Phí hải quan đối với hàng xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh: 200.000 đồng/tờ khai; Lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường bộ (ô tô, đầu kéo, máy kéo): 200.000 đồng/phương tiện…
Cũng theo Thông tư này, phí hải quan sẽ được miễn đối với các trường hợp như: Hàng viện trợ nhận đạo, viện trợ không hoàn lại; Hàng xuất, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 01 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/4/2021.
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp sổ tạm quản đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập là đối tượng phải nộp phí hải quan theo quy định mới
Miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu theo điều ước quốc tế
Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Trong đó, bổ sung Điều 29a miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Chủng loại, định lượng hàng hóa được quy định tại điều ước quốc tế; văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định chủng loại, định lượng miễn thuế. Trường hợp cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì căn cứ theo văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế.
Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.
Vi phạm về xử lý chất thải chăn nuôi, phạt đến 20 triệu đồng
Nghị định 14/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.Cụ thể, Điều 30 Nghị định này quy định hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ; từ 03 - 05 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa; từ 05 - 07 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Đối với hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi cho cây trồng; vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ; từ 05 - 07 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa; từ 07 - 10 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Lưu ý: Mức phạt tiền quy định nêu trên là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, vi phạm về xử lý chất thải chăn nuôi sẽ bị phạt tối đa đến 20 triệu đồng.
Nghị định 14 có hiệu lực từ ngày 20/4/2021.
Cấp thẻ bảo hiểm y tế mới bằng plastic thay thẻ giấy
Từ ngày 1/4/2021, Quyết định 1666 về Ban hành mẫu thẻ bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức có hiệu lực. Theo đó, áp dụng mẫu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới với nhiều cải tiến so với trước đây.
Cụ thể: Kích thước thẻ nhỏ gọn như một chiếc thẻ ATM, chỉ dài 85,6mm và rộng 53,98mm trong khi mẫu thẻ cũ dài đến 98mm và rộng 66mm.
Thẻ sẽ được in plastic sau khi in, thay vì chỉ là một mảnh giấy mỏng manh như thẻ cũ. Do đó, sẽ hạn chế được tình trạng nhàu nát, ẩm mốc, rách hỏng khi gặp nước…
Mã số thẻ sẽ chỉ còn 10 chữ số (chính là mã số bảo hiểm xã hội) thay vì 15 ký tự như trước đây. Mức hưởng của người tham gia BHYT sẽ được thể hiện tại góc bên phải của thẻ, theo các kí tự từ 1 đến 5.
Mặt sau của thẻ có các thông tin về nơi cấp, đổi thẻ; hướng dẫn kiểm tra chi phí khám, chữa bệnh - những thông tin mà mẫu thẻ trước đây không hề có.
Với các thẻ cũ, Quyết định này cũng nhấn mạnh, trong thời gian chờ đổi sang mẫu thẻ mới, nếu vẫn còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám bệnh, chữa bệnh.
Phôi thẻ BHYT đã in theo mẫu cũ chưa sử dụng hết đến ngày 1/4/2021 vẫn được tiếp tục sử dụng cấp cho các đối tượng tham gia BHYT.
H.A