Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10

07:10 | 02/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ 10/2021, nhiều chính sách hỗ trợ mới sẽ có hiệu lực, áp dụng cho đối tượng là người lao động, người sử dụng lao động ảnh hưởng bởi COVID-19; doanh nghiệp nhỏ và vừa; học sinh, sinh viên, thạc sĩ; quân nhân,…

Người lao động, người sử dụng lao động ảnh hưởng bởi COVID-19 được hỗ trợ

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối tượng được áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Nguồn kinh phí: khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

Ngoài ra, theo nghị quyết, giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thực hiện giảm mức đóng 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Nhiều hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP  ban hành ngày 26/08/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó quy định hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

Nghị định quy định cụ thể nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo gồm: Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo.

Trong đó, hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/DN. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm kể từ ngày DN ký hợp đồng thuê mặt bằng.

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN...

Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN...

Các tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.

Tăng thời gian nghỉ phép cho quân nhân

Theo quy định tại Thông tư 109/2021 của Bộ Quốc phòng, từ ngày 10/10, Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng công tác dưới 15 năm được nghỉ 20 ngày; từ đủ 15 đến dưới 25 năm được nghỉ 25 ngày; từ đủ 25 năm trở lên được nghỉ 30 ngày. Số ngày nghỉ phép sẽ được tăng thêm đối với những quân nhân công tác ở một số địa bàn đặc biệt.

Tăng thời gian nghỉ phép cho quân nhân là một trong những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2021

Cụ thể, quân nhân được nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm nếu đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên; đóng quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và ở Nhà giàn DK1; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên.

Quân nhân được nghỉ thêm 5 ngày mỗi năm nếu đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; đóng quân tại các đảo được hưởng phụ cấp khu vực; hoặc đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và có hệ số khu vực từ 0,5 trở lên (quy định hiện hành là phải đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7).

Thời gian đi đường sẽ không tính vào số ngày nghỉ phép. Tỷ lệ nghỉ thường xuyên không quá 15% quân số của đơn vị

Nhiều đối tượng là học sinh, sinh viên được miễn học phí

Nghị định 81/2021/NĐ-CP Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.

Tại Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm nhiều học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được miễn học phí so với quy định trước đây như: Người học chương trình trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; học sinh cấp hai ở thôn/bản đặc biệt khó khăn; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù…

Cho phép thi tuyển thạc sĩ theo hình thức trực tuyến

Có hiệu lực thi hành từ 15/10/2021, Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT.

Thực hiện Luật Giáo dục đại học, Quy chế bổ sung phương thức tuyển sinh và giao cơ sở đào tạo quy định cụ thể các phương thức trên nguyên tắc bảo đảm đánh giá công bằng, khách quan và trung thực. Cơ sở đào tạo quyết định tuyển sinh theo 3 phương thức: Thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Để tuyển sinh không bị gián đoạn do dịch bệnh hay trường hợp bất khả kháng khác, Quy chế cho phép thi tuyển theo hình thức trực tuyến khi đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như với tuyển sinh trực tiếp.

Quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng

Theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/10/2021, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ theo 5 nhóm: Nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.

Thông tư quy định cụ thể tỉ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ như sau: Nợ đủ tiêu chuẩn 0%, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới tiêu chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%./.

Đăng kiểm tạm cho ôtô chưa đóng "phạt nguội"

Theo thông tư 16/2021 của Bộ Giao thông Vận tải (thay Thông tư 70/2015), từ 1/10, các xe cơ giới bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định (trường hợp quá thời hạn giải quyết sự việc vi phạm mà chủ phương tiện chưa đến xử lý) vẫn được tiếp nhận đăng kiểm tại các trung tâm. Tuy nhiên, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định chỉ có hiệu lực 15 ngày.

Cũng từ đầu tháng 10, các chủ xe không cần xuất trình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc như trước đây khi đăng kiểm lần đầu và định kỳ. Khi đăng kiểm ôtô lần đầu, chủ phương tiện xuất trình giấy đăng ký xe (bản chính hoặc giấy hẹn đăng ký của phòng cảnh sát giao thông, hoặc bản chính đang thế chấp của tổ chức tín dụng, ngân hàng); bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của xe sản xuất, lắp ráp trong nước (trừ xe cơ giới thanh lý); bản chính chứng nhận kiểm định cải tạo với trường hợp xe hoán cải.

Đối ôtô đăng kiểm định kỳ, chủ xe chỉ phải xuất trình đăng ký xe (bản chính, giấy biên nhận thế chấp bản chính tại tổ chức tín dụng, hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe với trường hợp xe sang tên đổi chủ). Bảo hiểm trách nhiệm dân sự không còn cần đối với thủ tục đăng kiểm nhưng đây vẫn là giấy tờ bắt buộc để xe lưu hành hợp lệ trên đường.

Ban hành mẫu giấy xác nhận mới để mua nhà ở xã hội

Cũng trong ngày 1/10, Thông tư 09/2021/TT-BXD (Thông tư 09) của Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực.

Theo đó, các mẫu giấy tờ mới chứng minh đối tượng, điều kiện để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được ban hành kèm theo sẽ thay thế cho các mẫu ban hành kèm Thông tư số 20/2016/TT-BXD. Cụ thể, là đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là phụ lục 1 ban hành kèm thông tư này.

Ngoài ra, học sinh, sinh viên, học sinh trường dân tộc nội trú công lập sẽ sử dụng mẫu đơn số 10 về thuê nhà ở xã hội.

Thông tư 09 cũng bỏ yêu cầu người mua lại nhà ở xã hội phải được Sở Xây dựng địa phương xác nhận vào đơn đăng ký mua nhà về việc người này chưa hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Đồng thời cũng quy định rõ đối tượng được sử dụng mẫu giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở: áp dụng với các đối tượng là người có công với cách mạng, người lao động trong doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ…