Những điều DN cần lưu ý khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ qua kênh thương mại điện tử
Với sự bùng nổ của internet và thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt Nam có thể bán sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng Hoa Kỳ mà không cần phải qua các kênh phân phối truyền thống. Bằng cách bán hàng trực tuyến, các công ty Việt Nam có thể: Kinh doanh 24/7; Tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường nước ngoài; Xây dựng thương hiệu; Tiếp cận thị trường mới với chi phí thấp; Kiểm soát được thời điểm bán hàng và sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định kinh doanh hợp lý; Nhận tiền trước, hạn chế các rủi ro liên quan đến thanh toán.
Cụ thể, về phương thức phát triển chiến lược thương mại điện tử, nếu doanh nghiệp thấy thương mại điện tử phù hợp với doanh nghiệp của mình, doanh nghiệp nên xem xét xây dựng một chiến lược thương mại điện tử để giúp doanh nghiệp thành công và bảo đảm tính cạnh tranh.
Doanh nghiệp có thể cân nhắc một số điểm sau đây trong hoạch định chiến lược xuất khẩu hàng hóa qua con đường thương mại điện tử:
Làm rõ mục tiêu: Doanh nghiệp cần biết rõ việc bán hàng hay sự hiện diện trực tuyến của mình phải đạt được điều gì? Doanh nghiệp tìm cách bán hàng trực tuyến, hay chỉ để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của mình?
Tài nguyên: Thiết lập một cơ sở bán hàng trực tuyến có thể mất thời gian. Vì vậy doanh nghiệp cần làm rõ những tài nguyên nào doanh nghiệp sẽ cần quản lý cho đến khi bắt đầu có lợi nhuận?
Thông tin thị trường: Xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp là ai: là các doanh nghiệp khác? người tiêu dùng trẻ? Người lớn tuổi? Vùng địa lý mà doanh nghiệp muốn nhắm tới? Đặc điểm văn hóa tiêu dùng. (Cần lưu ý Hoa Kỳ rất rộng lớn với nhiều vùng khí hâu khác nhau, nhiều sắc tộc khác nhau do đó thói quen tiêu dùng cũng có thể khác nhau). Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu ai là đối thủ cạnh tranh chính của doanh nghiệp, và điều gì khiến họ thành công trong kinh doanh trực tuyến? Các thông tin này sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh hay kế hoạch quảng bá trực tuyến của mình.
Tính năng của website: Doanh nghiệp cần quyết định những tính năng mà doanh nghiệp muốn trang web của mình phải có trước khi tham khảo ý kiến một nhà phát triển web chuyên nghiệp để được hỗ trợ. Cần lưu ý Website có cần thân thiện với thiết bị di động hay không? Hay có cần có một ứng dụng riêng không?
Chọn một kênh kết hợp mà phù hợp với doanh nghiệp: Có 4 kênh chính để bán hàng thông qua thương mại điện tử. Doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng một hoặc kết hợp những phương thức sau:
- Website: các doanh nghiệp có thể tự xây dựng và sử dụng trang web của doanh nghiệp mình để quảng bá sản phẩm, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về doanh nghiệp hoặc dùng chính website đó để bán trực tiếp sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Website có thể đặt host tại Việt Nam, Hoa Kỳ hay một nước thứ ba và nên được thiết kế bởi các nhà phát triển web chuyên nghiệp.
- Các chợ trực tuyến: đối với các doanh nghiệp nhỏ, chợ trực tuyến cung cấp một “cánh cổng” hữu ích để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng doanh thu trong khi giảm thiểu rủi ro. Các chợ trực tuyến nổi tiếng của Hoa Kỳ có thể kể đến như Amazon, Ebay, Fruugo,…
- Nhà phân phối là bên thứ ba: Doanh nghiệp có thể bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình thông qua các trang web của bên thứ ba, sử dụng các mạng tiếp thị và bán hàng hiện có. Ví dụ doanh nghiệp có thể sử dụng Amazon như một chợ trực tuyến để bán các sản phẩm của mình, nhưng mặt khác, doanh nghiệp lại có thể sử dụng Amazon như một kênh làm dịch vụ phân phối cho doanh nghiệp. Lúc này hoàng hóa sẽ được chỉ dẫn: “phân phối bởi Amazon”
- Mạng xã hội: có thể hữu ích để tăng sự hiện diện và quảng bá trên thị trường của doanh nghiệp. Thông qua mạng xã hội, doanh nghiệp có thể xây dựng nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu hoặc thậm chí bán trực tiếp cho khách hàng. Doanh nghiệp có thể thuê một công ty tiếp thị địa phương có hiểu biết và có sự nhạy cảm với văn hóa địa phương cho việc quản lý mạng xã hội
Các bước thực hiện: Các doanh nghiệp cần cân nhắc các chiến lược tiếp thị, thanh toán, tính hiệu quả, thuế và các khoản phí khác. Đây là một phần không thể tách rời cho chiến lược thương mại điện tử của doanh nghiệp.
Thuế, phí hải quan và các phụ phí: Hàng hóa của doanh nghiệp sẽ cần một số tài liệu liên quan và phải chịu thuế hải quan và thuế bán hàng (sale tax) khi hàng được chuyển tới tay người mua. Hệ thống thuế của Mỹ rất phức tạp. Mặc dù Hoa Kỳ không có thuế giá trị gia tăng (VAT), nhưng hàng hóa sẽ chịu thuế bán hàng (sales tax). Sales tax ở mỗi bang là khác nhau, người mua hàng sẽ phải trả thuế này theo mức thuế của tiểu bang mà hàng hóa được yêu cầu gửi đến nếu doanh nghiệp có sự hiện diện vật lý (văn phòng, kho bãi) tại tiểu bang của người mua hàng. Ví dụ người mua hàng ở bang Texas khi mua hàng online sẽ chịu mức thuế của tiểu bang là 8,25% nếu người bán hàng có văn phòng, kho bãi tại Texas. Tuy nhiên người mua hàng sẽ không phải trả mức thuế này nếu người bán hàng không có hiện diện vật lý (văn phòng, kho bãi) tại bang. Một số tiểu bang của Mỹ như Alaska, Delaware, Montana, New Hampshire và Oregon không áp thuế bán hàng (sales tax bằng 0).
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên các trang thương mại điện tử: Các trang thương mại điện tử khác nhau có các quy tắc khác nhau để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp cần lưu ý đăng ký bảo vệ bản quyền, bằng sáng chế, nhãn hiệu thương mại và kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp mình tại quốc gia mà doanh nghiệp bán hàng và sản xuất (Việt Nam và Hoa Kỳ), kể cả qua kênh thương mại điện tử.
Luật pháp Hoa Kỳ cho phép thời gian ân hạn một năm để một nhà phát minh đăng ký bằng sáng chế kể từ ngày công bố công khai. Ở Mỹ, việc đăng ký bản quyền được khuyến nghị nhưng không bắt buộc đối với bản quyền đã được công bố hoặc chưa được công bố. Các doanh nghiệp nên thường xuyên kiểm tra để đảm bảo các tài liệu và thương hiệu có bản quyền của doanh nghiệp mình không bị lạm dụng. Doanh nghiệp cũng nên kiểm tra các sản phẩm mà doanh nghiệp đang bán không vi phạm bản quyền hiện có ở Việt Nam.
Bảo vệ thông tin khách hàng: Các doanh nghiệp cần lưu ý tính bảo mật thông tin khách hàng và không được chuyển thông tin cá nhân của khách hàng Hoa Kỳ cho một bên thứ ba, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ các ràng buộc pháp lý về vấn đề này.
Hỗ trợ: Tiếp cận một thị trường mới nhiều cạnh tranh luôn gặp nhiều bỡ ngỡ ban đầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm sự giúp đỡ và hỗ trợ phù hợp từ các cơ quan chính phủ, các hiệp hội, các cơ quan thương mại cũng như các chương trình hỗ trợ thông quan hội thảo, tập huấn và học hỏi từ các doanh nghiệp, bạn hàng đã có kinh nghiệm kinh doanh trực tuyến.