Những điều kỳ lạ ở thị trường chứng khoán 7.400 tỷ USD của Trung Quốc

15:52 | 31/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trung Quốc có thể là một bí ẩn lớn đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Tháng trước, cộng đồng quốc tế hoan nghênh khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố gỡ bỏ hàng loạt rào cản ngành tài chính, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán 7.400 tỷ USD của nước này.

Tuy nhiên, nhà đầu tư chắc sẽ phải "đau đầu" khi giao dịch ở đây vì thị trường chứng khoán lớn thứ 2 thế giới không hoạt động theo những quy tắc hay logic thường thấy ở những nơi khác như Mỹ hay châu Âu.

Dưới đây là 7 điều mà giới đầu tư bên ngoài có thể thấy lạ về thị trường này.

Tên cũng quan trọng

Đôi khi nhà đầu tư mua cổ phiếu chỉ vì cái tên. Những công ty có từ “vua” và “hoàng đế” trong tên cũng lên ngôi sau khi Trung Quốc thay đổi Hiến pháp cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền vô thời hạn. Một cổ phiếu có cách phát âm giống “Trump Wins Big” (Trump thắng lớn) tăng vọt sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 trong khi mã có cách đọc tương tự “Aunt Hillary” (Dì Hillary) giảm mạnh.

Một nhà sản xuất tủ lạnh và điều hòa không khí có trụ sở tại Thanh Đảo với tên tiếng Hoa tương tự tên cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tăng giá trong suốt 6 ngày sau chiến thắng của ông trong 2008.

Những điều kỳ lạ ở thị trường chứng khoán 7.400 tỷ USD của Trung Quốc - ảnh 1
Biến động cổ phiếu của hai công ty Trung Quốc có cách đọc giống "Trump Wins Big" và "Aunt Hillary". Nguồn: Bloomberg

"Xổ số" IPO

Một trong những cách tốt nhất để giàu nhanh là giành được phần trong một đợt IPO. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải rất may mắn vì tỷ lệ tham gia được là khoảng 1/2.000. Cổ phiếu có xu hướng tăng trong ngày giao dịch đầu tiên vì giá chào bán được cố tình giữ thấp. Vào năm 2018, tất cả mã niêm yết mới chốt phiên giao dịch ngày đầu tiên ra mắt đều tăng 44%.

Những điều kỳ lạ ở thị trường chứng khoán 7.400 tỷ USD của Trung Quốc - ảnh 2
Mức tăng trung bình của những cổ phiếu mới niêm yết trong hai năm qua tại các sàn Trung Quốc, Hong Kong, Mỹ và châu Âu. Nguồn: Bloomberg

Xếp hàng lên sàn

Các công ty Trung Quốc phải xếp hàng dài để được niêm yết trên sàn chứng khoán. Tính đến 24/5, 310 ứng viên vẫn đang chờ phê duyệt. Thời gian chờ trung bình ở đây là 536 ngày, theo dữ liệu 2 năm của Bloomberg. Trong khi đó, Mỹ mất 32 ngày và Nhật Bản chỉ 25 ngày.

Những điều kỳ lạ ở thị trường chứng khoán 7.400 tỷ USD của Trung Quốc - ảnh 3
Thời gian chờ niêm yết ở Trung Quốc gấp hơn 16 lần Mỹ. Nguồn: Bloomberg

Đỏ mới tốt

Không giống phần lớn sàn giao dịch trên thế giới, màu đỏ có nghĩa là giá cổ phiếu đang tăng ở Thượng Hải và Thâm Quyến trong khi màu xanh lá tượng trưng cho giá giảm. Sự trái ngược này là vì đỏ được xem là màu may mắn trong văn hóa Trung Quốc còn xanh lá có ý nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, sàn Tokyo (Nhật Bản) cũng dùng màu đỏ để biểu thị giá lên.

"Chơi chứng khoán"

Thị trường Trung Quốc có lẽ hợp với từ "chơi chứng khoán" hơn là "đầu tư". Sàn Thượng Hải vắng bóng nhà đầu tư tổ chức trong khi cá nhân chiếm khoảng 80% khối lượng giao dịch dù một số người còn chưa tốt nghiệp hay thậm chí đi học cấp 3. Nhóm này cũng là nhân tố chính khiến bong bóng chứng khoán bùng nổ rồi sụp đổ cách đây 3 năm.

Dừng giao dịch

Hiện tượng dừng giao dịch ở Trung Quốc xảy ra thường xuyên hơn so với các thị trường lớn khác vì công ty dùng cách này để ngăn cổ phiếu giảm. Trong tháng 3, giá trị cổ phiếu dừng giao dịch trên các sàn ở đây vượt 456 tỷ USD, gấp 3.150 lần Mỹ.

Nhà nước can thiệp

Trung Quốc nổi tiếng với "Đội ngũ Quốc gia" - nhóm quỹ nhà nước thường ra tay khi có biến động để ổn định thị trường hoặc đôi khi chỉ để kéo tâm lý nhà đầu tư trước các sự kiện chính trị quan trọng.

Năm ngoái, chính phủ nước này tăng cường giám sát các nhà giao dịch trước hội nghị thượng đỉnh quy tụ 100 quốc gia ở Bắc Kinh. Sau khi hơn 1.000 tỷ USD tháo chạy khỏi thị trường tuần trước, nhà đầu tư dự đoán 3.000 điểm sẽ là ngưỡng chính phủ Trung Quốc "ra tay" cứu chỉ số Shanghai Composite.

Sàn chứng khoán chính của Trung Quốc được mở tại Thượng Hải vào đầu những năm 1990. Người ngoại quốc chỉ có 2 cách tham gia: thông qua liên kết với Hong Kong hoặc một trong 2 loại tổ chức - công ty bảo hiểm hoặc quỹ hưu trí.

Tuy nhiên, cả 2 cách đều bị áp giới hạn giao dịch. Bắt đầu từ ngày 1/6, những cá nhân/tổ chức theo dõi các chỉ số của MSCI sẽ có thêm một cách tiếp cận (gián tiếp) khi 234 cổ phiếu Trung Quốc được vào MSCI EM (thị trường mới nổi).

Trong 6 ngày qua, Shanghai Composite mất 5%, đóng cửa hôm 30/5 ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016. Mặc dù tâm lý đánh xuống không tốt cho lần "ra mắt" lớn của Trung Quốc, điều này cũng có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài đang có cơ hội mua vào ở mức giá rẻ nhất trong hơn 2 năm.


Thep Ndh.vn