Các ngân hàng mong chờ sự phục hồi của thị trường IPO toàn cầu

Minh Trang/ TTXVN 08:46 | 22/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các ngân hàng đầu tư đang chuẩn bị cho một năm khó khăn sắp tới sau khi mất đi khoản phí béo bở từ việc bán cổ phiếu, giữa bối cảnh thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên toàn cầu hiện đang giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

 

Với những câu hỏi xoay quanh chính sách tiền tệ và viễn cảnh suy thoái kinh tế sắp xảy ra, các cố vấn IPO không khỏi lo lắng về sự phục hồi trong ngắn hạn của thị trường này.

Doanh số bán cổ phiếu toàn cầu sụt giảm mạnh trong năm nay, khi thị trường IPO “đóng băng” và hàng trăm công ty hoãn ra mắt thị trường chứng khoán, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine và các đợt tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn đang đè nặng lên nền kinh tế thế giới.

James Palmer, người đứng đầu thị trường vốn cổ phần (ECM) khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) tại ngân hàng Bank of America, cho biết: “Tất cả là do tỷ giá - giá tiền tệ thay đổi đã ảnh hưởng đến mọi thứ”.

Theo dữ liệu của Dealogic, các ngân hàng đã bảo lãnh số cổ phiếu trị giá 515 tỷ USD cho đến năm 2022, giảm 66% so với cả năm 2021.

Ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ như đợt IPO “bom tấn” trị giá 9,4 tỷ euro (9,97 tỷ USD) của Porsche vào tháng 9/2022, hầu hết các giao dịch lớn bao gồm cả vụ IPO của chuyên gia da liễu Thụy Sỹ Galderma và nhà thiết kế chip Arm thuộc sở hữu của Tập đoàn SoftBank đều bị hoãn vô thời hạn. Do đó, các cố vấn IPO không mong đợi sự phục hồi của thị trường IPO trước nửa cuối năm 2023.

Valery Barrier, người đồng lãnh đạo thị trường vốn cổ phần EMEA của ngân hàng Citi, cho biết: “Chúng ta đang bước vào một thế giới suy thoái mới mà chúng ta chưa từng thấy trong một thời gian. Sẽ có nhiều nguồn vốn sơ cấp hơn được huy động, nhiều trái phiếu chuyển đổi hơn để giảm chi phí tài chính và cổ phần không cốt lõi được bán".

Khi chi phí nợ tiếp tục tăng, các ngân hàng dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang các giải pháp vốn chủ sở hữu khác như một cách để quản lý bảng cân đối tài chính và bảo vệ vị trí xếp hạng doanh nghiệp của họ. Ví dụ gần đây về các giao dịch như vậy bao gồm trái phiếu chuyển đổi trị giá 470 triệu euro của nhà phát triển trò chơi điện tử Ubisoft (Pháp) và khoản huy động tiền mặt trị giá 4 tỷ franc Thụy Sỹ của Credit Suisse.

Chứng khoán toàn cầu “trượt dốc” vào tuần trước sau một loạt thông báo từ các ngân hàng trung ương lớn. Một số nhà đầu tư đang đặt cược rằng lãi suất sẽ bắt đầu ổn định sớm hơn dự kiến, khi lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh.

Sự chậm lại trong các đợt IPO đã dẫn tới việc tồn đọng một lượng lớn các công ty tăng trưởng cao nhưng không có lợi nhuận đang chờ được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Sự trở lại của các nhà đầu tư dài hạn đối với các giao dịch trên thị trường vốn được coi là chìa khóa cho bất kỳ sự phục hồi nào, sau một năm mà các quỹ phòng hộ đóng vai trò dẫn đầu với tư cách là người mua đợt phát hành mới.

Gerry Keefe, người đứng đầu bộ phận ngân hàng toàn cầu tại Châu Mỹ thuộc HSBC, cho biết những người tham gia thị trường khác đang chờ xem mức định giá sẽ ổn định như thế nào trước khi họ cam kết thực hiện các giao dịch mới.

Cấu trúc của các giao dịch cũng sẽ là một yếu tố quan trọng trong sự thành công của các đợt IPO trong tương lai, đặc biệt đối với các công ty được hỗ trợ bởi vốn cổ phần tư nhân đang gánh một khoản nợ lớn.

Các công ty cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới, vốn buộc phải hoãn kế hoạch IPO hàng chục công ty trong danh mục đã chờ sẵn của họ trong năm nay, dự kiến sẽ vẫn thận trọng trong vài quý tới.

Một điểm sáng cho thị trường IPO toàn cầu trong năm 2022 là Trung Đông, nơi các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn đang chuyển sang thị trường vốn và thanh khoản. Trong năm nay, những công ty niêm yết mới tại khu vực này đã huy động được nhiều tiền hơn so với các đợt IPO tại  châu Âu và châu Phi cộng lại. Trung Đông đang hướng tới một năm kỷ lục về hoạt động IPO do giá dầu cao và dòng vốn đầu tư đổ vào thị trường đã hỗ trợ cho khu vực này.

Đầu tháng 12/2022, nhà máy lọc dầu Luberef của Saudi Arabia đã định giá đợt chào bán cổ phiếu lần đầu trị giá 1,3 tỷ USD nhờ nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư. Nhà điều hành nhà hàng Americana cũng đã tiền hành đợt niêm yết kép trị giá 1,8 tỷ USD vào tháng 11.

Joshua Bonnie, đồng Giám đốc bộ phận thị trường vốn toàn cầu của Simpson Thacher & Bartlett, cho biết: “Khi thị trường chứng khoán diễn biến ảm đạm như hiện tại, thường rất ít người sẵn sàng bỏ tiền mua cổ phiếu mới trong môi trường đầu tư khắc nghiệt”.

Shi Qi, người đứng đầu ECM tại China International Capital Corp, cho biết: “Chúng tôi đang đi qua đáy của thị trường và chờ đợi sự phục hồi. Câu hỏi quan trọng lúc này là về thời điểm phục hồi”.