Những Grab, Be Group, Shopee Food và Ahamove đang có nền tảng gì cho công cuộc đổi xe xăng sang xe điện?

Quỳnh Như 14:10 | 21/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù hầu hết app gọi xe ở Việt Nam đã có sử dụng xe điện để vận chuyển, nhưng đó chỉ là những dự án chuyển đổi nhỏ hoặc động thái thử nghiệm. Xe xăng vẫn chiếm phần lớn trong lượng xe đang hoạt động trên các nền tảng như Grab, Be Group, Ahamove và ShopeeFood.

Đến cuối 2026, 50% xe máy trong ngành giao nhận là xe điện

TP. HCM, cụ thể là Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM - HIDS), vừa ra mắt "Đề án chuyển đổi xe hai bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP. HCM".

Theo ước tính của nhóm nghiên cứu từ Trung tâm, sau khi áp nhập, TP. HCM hiện có khoảng 400.000 tài xế công nghệ đang chạy xe xăng để giao hàng hằng ngày. Sở dĩ đây nhóm này được ưu tiên chuyển đổi, vì họ di chuyển nhiều nhất trong một ngày, với khoảng 80km – 120km.

Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện sẽ giúp tài xế tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu và bảo trì định kỳ. Giá điện rẻ hơn xăng khoảng 80% trên mỗi km vận hành. Xe máy điện cũng có ít chi tiết bảo dưỡng hơn so với xe xăng (không thay nhớt, không cần bảo trì động cơ đốt trong).

Theo đó, mỗi tài xế có thể tiết kiệm 1 triệu đến 1,3 triệu đồng trung bình mỗi tháng khi chuyển từ xe xăng sang xe điện.

Lộ trình chuyển đổi phương tiện sẽ chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 - đến tháng 12/2025: phấn đấu đạt 120.000 (30%) xe xăng chuyển sang xe điện. Giai đoạn 2 - đến tháng 12/2026, tổng lượng xe điện dùng cho vận chuyển người/hàng sẽ đạt 50%. 

Giai đoạn 3 - đến tháng 12/2027, lượng sẽ điện sẽ đạt 80%. Giai đoạn 4 - đến tháng 12/2029 đạt 100%, tất cả xe máy dùng để giao nhận tại địa bàn TP. HCM đều là xe điện. 

Trước mắt, nhóm nghiên cứu đề xuất các công ty giao nhận ngừng ký hợp đồng mới đối với xe máy xăng tham gia dịch vụ tại TP. HCM từ tháng 1/2026. Từ tháng 12/2029, thành phố cấm hoàn toàn xe xăng chạy dịch vụ vận tải và giao hàng trên địa bàn.

Grab, Be Group hay Ahamove đã có chút ‘vốn liếng’ xe điện

Do đặc thù lĩnh vực hoạt động khi các shipper phải di chuyển liên tục trong một ngày, cộng với việc thường xuyên được giới truyền thông quan tâm đặc biệt; dù muốn dù không, thì các công ty gọi xe cũng phải quan tâm đến câu chuyện giảm phát thải trong vận hành kinh doanh của mình. 

Hơn nữa, tất cả đều biết, sẽ có ngày việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện là bắt buộc ở Việt Nam và chắc chắn họ sẽ là những DN phải tiên phong chuyển đổi. Tuy nhiên, việc tìm được một loại xe điện có mức giá và thiết kế phù hợp với tài chính eo hẹp cũng như thỏa nhu cầu chuyển đổi linh hoạt giữa chở hàng/người/thức ăn của các bác tài gọi xe công nghệ, không phải là điều dễ dàng.

Với Grab, câu chuyện bị đối thủ non trẻ Xanh SM vượt lên ở thị phần xe ô tô tại Việt Nam đã gióng lên một hồi chuông báo động, rằng họ sẽ phải hành động quyết liệt hơn trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện.

Vậy nên, vào tháng 5/2025, Grab đã ra chương trình ưu đãi khuyến khích các tài xế ô tô Việt trên nền tảng của mình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện của BYD. Thời gian triển khai kéo dài ba tháng, từ 19/5 đến 19/8.

Theo đó, các tài xế sẽ được tiếp cận 6 mẫu xe gồm: DOLPHIN, ATTO 3 (Dynamic), ATTO 3 (Premium), M6, SEAL (Advanced), SEAL (Performance) với mức giá từ 659 triệu đồng đến 1,36 tỷ đồng.

Vào tháng 1/2025, tại Singapore, Grab và BYD đã công bố quan hệ đối tác khu vực, nhằm mở rộng quyền tiếp cận tới 50.000 xe điện BYD cho các tài xế đối tác khắp Đông Nam Á.  

Grab Vietnam và Dat Bike đang có chương trình hợp tác dài hơi để 'xanh hóa' dần đội xe của Grab. (Ảnh: Dat Bike)

Vào 15/7, Grab cũng ra chương trình “Sắm xe điện Dat Bike, một triệu thưởng về tay”. Đây là chương trình gần như định kỳ hằng năm của Grab trong hợp tác dài hơi cùng Dat Bike.

Thông qua công ty tài chính GFin, Grab-GFin sẽ cho các đối tác tài xế xe máy trên nền tảng vay trả chậm để mua xe điện Dat Bike. Chương trình cho biết, nếu dùng xe máy điện Dat Bike để vận chuyển hàng hóa/người thay vì xe xăng, các tài xế sẽ tiết kiệm được 3,2 triệu đồng/tháng. 

Trên thị trường, hiện có 3 hãng xe máy điện nổi danh là VinFast, Yadea và Dat Bike. Không tính VinFast, Yadea - với nhiều dòng xe và mức giá linh hoạt từ 15 triệu đến 30 triệu, dễ để các tài xế Grab tiếp cận hơn là Dat Bike. 

Hiện tại, khi sử dụng các dịch vụ của Grab, thỉnh thoảng người tiêu dùng có thể thấy ô tô điện VinFast hay xe máy điện; tuy nhiên, số lượng xe điện trong tổng số 200.000 đối tác tài xế (số liệu 2024) của Grab ở Việt Nam là chưa đáng kể. Nếu tính đồng mức đề xuất 30% xe điện vào cuối 2025 như TP. HCM cho cả nước, Grab cần chuyển đổi 60.000 xe xăng sang xe điện.  

Theo báo cáo về ESG trong năm 2024 của Grab, với 10.000 phương tiện vận chuyển bằng điện, Grab đang là nền tảng gọi xe điện lớn nhất Indonesia và Thái Lan. Tại Thái Lan, Grab đã hợp tác với Susco triển khai chương trình “Drive to own EV”, cho phép các tài xế sở hữu xe điện sau 5 năm thuê. Ở Indonesia, đội xe điện cho thuê GrabElectric đã góp gần thúc đẩy nhu cầu về các trạm đổi pin, giúp tăng số lượng từ 1.200 lên 1.500 trong năm 2024.

Phần mình, trước đây Be Group muốn thông qua việc tích hợp Xanh SM vào nền tảng của mình, để giải quyết câu chuyện ‘xanh hóa’ hoạt động kinh doanh; song thực tế cho thấy chiến lược này không hiệu quả. Vào tháng 5/2025, Be Group đã thông báo về việc ngừng hợp tác với Xanh SM.

Trước đó, vào tháng 4/2025, Be Group cũng có chương trình thưởng 200 ngàn đồng cho bác tài nào giới thiệu thành công Bác tài beCar mới sử dụng các dòng xe điện của VinFast/GSM (Đăng kiểm xanh), bao gồm VF3, VFe34, VF5, VF5 Plus, VF6, VF7, VF8, VF9, Taxi Xanh SM (Minio Green/Herio Green/ Nerio Green/ Limo Green).

Tài xế của Be Group tham gia chương trình thí điểm chuyển đổi xe xăng sang điện của BSSC và UNDP trong 2/2024. (Ảnh: Selex Motors)

Rồi đến tháng 6/2025, Be đã “bắt tay” BYD, Selex Motor để hỗ trợ tài xế chuyển đổi sang xe điện. Mục tiêu của Be và Selex Motor là chuyển đổi 3.000 tài xế BeBike sang sử dụng xe máy điện trong vòng hai năm đầu.

Trong đó, các đối tác sẽ hỗ trợ tài xế BeCar thuê xe điện 4 bánh từ 8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tài xế Be có thể mua xe ô tô BYD với giá ưu đãi 100 triệu đồng/xe, kèm gói vay ưu đãi từ VPBank (thông qua ứng dụng bePartner) với hạn mức đến 85% giá trị xe mới, lãi suất ưu đãi từ 5%/năm….

Lý lẽ của Be Group để thuyết phục các tài xế xe máy xăng đổi sang xe điện là: sau khi trừ các chi phí thì các tài xế chạy xe điện tiết kiệm được 40.000 - 60.000 đồng/ngày so với khi chạy xe xăng, tương đương hơn 1 triệu/tháng. Như vậy, nếu dành toàn bộ khoản tiết kiệm đó để trả góp mua xe điện, thì sau 24 - 30 tháng, tài xế có thể hoàn tất sở hữu phương tiện mới mà không cần vốn đầu tư ban đầu.

Trong báo cáo ‘Tiếng nói của khách hàng’ mà Be Group ra mắt vào tháng 5/2025, nền tảng này cho biết: tính đến hết năm 2024, số lượng tài xế của Be Group tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, chạm mốc 500.000 tài xế.

Ahamove – nền tảng giao nhận công nghệ B2B cũng khá tích cực trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Vào tháng 9/2022, AhaMove từng hợp tác với VinFast để ra mắt dịch vụ AhaFast hoạt động bằng xe điện.

Ahamove so sánh chi phí của xe xăng và thuê xe điện khi ra mắt dịch vụ AhaFast năm 2022. (Ảnh chụp màn hình)

Theo thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa hai bên vào 9/2022, VinFast sẽ cung cấp sản phẩm xe máy điện cho Ahamove triển khai dịch vụ giao hàng trên nền tảng công nghệ bằng xe máy điện đầu tiên tại Việt Nam - AhaFast. Mục tiêu của AhaMove là đưa 10.000 xe máy điện vào hoạt động trên nền tảng từ năm 2025.

Trong giai đoạn đầu, dịch vụ sẽ được triển khai tại Đà Nẵng với 100 xe, sau đó sẽ tiến hành mở rộng đến các thành phố lớn khác như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Nha Trang (cũ)…

Tuy nhiên, thực tế là kế hoạch này chỉ có phần mở đầu, khi AhaFast triển khai dịch vụ giao hàng – chở người bằng xe điện VinFast ở Đà Nẵng trong năm 2022 và chưa từng triển khai ở các thành phố lớn khác như kế hoạch. Điều này có thể liên quan đến việc VinGroup – công ty mẹ của VinFast đã ra mắt hãng gọi xe công nghệ Xanh SM vào tháng 3/2023.

Vào tháng 6/2025, Ahamove đã công bố hợp tác chiến lược với Selex Motors để triển khai 1.000 xe máy điện Selex Camel vào hoạt động thực tế. Ngay tại sự kiện công bố, Ahamove đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng 300 xe đầu tiên.

Ahamove đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng 300 xe máy điện Selex Motors. (Ảnh: Ahamove)

Trên website của mình, Ahamove cho biết đang có 25.000 tài xế hoạt động trên nền tảng. Nếu tính đồng mức đề xuất 30% xe điện vào cuối 2025 như TP. HCM cho cả nước, số lượng xe xăng mà Ahamove cần chuyển đổi sang xe điện là 7.500.

ShopeeFood có ít sự chuẩn bị

Trong tất cả, ShopeeFood đang là nền tảng giao nhận công nghệ có ít sự chuẩn bị cho quá trình ‘chuyển đổi xanh’ này.

Vào tháng 3/2023, ShopeeFood ra thông báo về việc “Triển khai dòng xe hai bánh điện khi tham gia hoạt động cùng ShopeeFood” cho tất cả dòng xe máy – mô tô điện, đối tượng áp dụng là những tài đăng ký mới và tài xế đang hoạt động có nhu cầu chuyên đổi hoạt động từ xe xăng sang xe điện trên toàn quốc.

Đến tháng 10/2023, ShopeeFood lần đầu hợp tác với một hãng xe máy điện là Selex Motors để các tài xế của công ty có cơ hội tiếp cận với xe máy điện. Ở lần hợp tác này, Selex Motors là người chủ động khi mời chào các tài xế ShopeeFood đến trải nghiệm sản phẩm và nếu thích, Selex Motors sẽ là bên đứng ra bán trả chậm chứ không phải ShopeeFood.

Và kể từ đó đến nay, ShopeeFood chưa có thêm bất cứ hoạt động gì liên quan đến việc khuyến khích hoặc hỗ trợ tài xế của mình chuyển đổi xe xăng sang xe điện.