Những tín hiệu đầy hy vọng từ nhà máy đạm Ninh Bình
(DNVN) - Với những cố gắng không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, nhà máy đạm Ninh Bình từ việc liên tục thua lỗ trong thời gian trước, năm 2019 đã bắt đầu có những tín hiệu đáng mừng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đầu năm 2019, giá urê tương đối tốt nhưng từ quý III/2019 giá urê thế giới và trong nước giảm nhanh, nhu cầu thấp nên dự kiến giá sẽ tiếp tục giảm, ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, các đơn vị mua cân nhắc, chỉ mua khi có cầu, không mua dự trữ. Bên cạnh đó, thời tiết rất bất thường: Mưa lớn gây ra lũ lụt ở miền Bắc, Lâm Đồng, Đắk Lắk… gây thiệt hại nhiều cho mùa màng, lúa ngập, rau màu, ngô, mía úng, đổ… nên không trồng được; khô hạn kéo dài ở các tỉnh đồng bằng, duyên hải gây tác động xấu đến ngành nông nghiệp. Do vậy, sức mua phân bón - vật tư thiết yếu trong canh tác nông nghiệp - bị giảm mạnh cả về lượng sử dụng, chủng loại sử dụng và giá cả.
Trong khi đó, sự canh tranh của thị trường trong nước ngày càng quyết liệt giữa các nhà sản xuất về giá cả và chính sách tiêu thụ. Sản phẩm phân bón nội địa đối mặt rất lớn với sự cạnh tranh của phân bón nhập khẩu từ các nước: Trung Quốc, Nga, Malaysia, Indonesia (đa phần là các nước thuộc khối ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA). Trong khi đó, trong nước có Luật thuế 71 đã hạn chế khả năng cạnh tranh của sản phẩm urê Việt Nam.
Mặc dù có nhiều khó khăn đối với thị trường phân bón Việt trong thời gian qua, nhưng với sự nỗ lực từ nhiều phía, nhà máy đạm Ninh Bình đã bắt đầu có những tín hiệu đáng mừng.
Chia sẻ về kết quả đã đạt được trong năm qua, ông Bùi Văn Thắng - Tổng Giám đốc Nhà máy đạm Ninh Bình cho biết: Năm 2019, công ty tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ và tập đoàn, đồng thời nhờ những cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên công ty đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được tập đoàn giao.
Cụ thể, thị trường trong các tháng đầu năm 2019 có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2018. Giá bán bình quân tốt hơn, nhu cầu tăng hơn và đặc biệt hơn cả là uy tín sản phẩm đạm urê Ninh Bình đã được bà con và các nhà phân phối tin dùng hơn.
Trong năm công ty đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến phát triển thị trường như: Tham gia 01 hội chợ, triển lãm liên quan đến nông nghiệp; tổ chức thành công 02 hội nghị khách hàng, nhà phân phối; tổ chức 52 buổi hội nghị, hội thảo quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong đó 26 hội nghị thực hiện tại khu vực miền núi phía bắc.
Nhờ đó, niềm tin của khách hàng tăng dần sau thời gian nhà máy duy trì chạy máy liên tục. Tâm lý và tinh thần người lao động cũng đã ổn định và vững tin hơn, kỷ luật lao động đang dần được nâng cao từ đó đã hạn chế được sự cố do chủ quan gây ra. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 giảm lỗ 134 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, đại diện Nhà máy đạm Ninh Bình cho biết, mặc dù đạt được những kết quả tiêu thụ khả quan, tích cực hơn so với năm 2018 song trong quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh có những khó khăn phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả tiêu thụ, giảm khả năng bán thêm hàng tại một số thời điểm trong năm
Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay của Nhà máy đạm Ninh Bình là thiếu vốn sản xuất. Hiện tại vốn cho sản xuất kinh doanh được huy động từ khách hàng, nguồn vốn này trước mắt tạm đảm bảo duy trì sản xuất với phụ tải từ 80-90% đạt mức sản lượng trung bình cả năm khoảng 65% sản lượng thiết kế. Nhưng về lâu dài, công ty rất cần có nguồn vốn từ các Ngân hàng để có thể chủ động được kế hoạch sản xuất, tăng dần sản lượng sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Khó khăn thứ hai là giá than tăng, cụ thể năm 2019 giá than cám 5a.1 tăng thêm 65.000 đồng/tấn so với giá cuối năm 2018 làm tăng chi phí sản xuất. Mặt khác, lượng than do TKV cung cấp thường không đủ theo kế hoạch và độ ẩm cao làm tăng chi phí tiêu hao. Có nhiều lúc thiếu than cám 5a.1, Nhà máy đã phải sử dụng than cám 4a.1 thay thế (khoảng 4.000 tấn) hoặc thiếu cả than cám 5a.1, 4a.1 nên phải mua gấp 6.000 tấn than để duy trì chạy máy.
Mặt khác, Luật Thuế 71/2014/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế) chưa được Quốc Hội sửa đổi khiến cho sản phẩm urê phải chịu thêm chi phí VAT, giảm sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu và Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế đang là rào cản lớn đối với hàng hóa trong nước tham gia thị trường quốc tế vào giai đoạn trái vụ.
Khó khăn thứ tư là người lao động tiếp tục nghỉ việc, trong đó chủ yếu là người có kinh nghiệm và trình độ cao tại các vị trí quan trọng trong dây chuyền. Người lao động vận hành nhà máy hóa chất bình quân cần phải 02 - 03 năm đào tạo thì mới cơ bản đáp ứng sản xuất.
Do đó, theo đại diện lãnh đạo Nhà máy đạm Ninh Bình: Để từng bước tháo gỡ những khó khăn và từng bước giảm lỗ thì ngoài sự nỗ lực nội tại của đơn vị về sản xuất, tiêu thụ và đảm bảo lao động nêu trên, Đạm Ninh Bình rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ của các đơn vị cấp trên, đặc biệt là tháo gỡ giúp công ty khơi thông nguồn vốn lưu động, chính sách thuế giá trị gia tăng, giá than đầu vào và các chính sách vĩ mô khác. Có như vậy niềm tin về một nhà máy đã khởi sắc mới mang lại kết quả bền vững, lâu dài, đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước.