Sản xuất công nghiệp tăng 13,12%, góp phần đưa GRDP Hải Phòng quý I tăng cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng
Báo cáo kinh tế - xã hội mới công bố của Cục thống kê TP Hải Phòng cho biết, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I đạt mức tăng khá, tăng 13,12% so với cùng kỳ (svck), đây là kết quả tích cực tạo đà cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong những tháng tiếp theo của năm 2023.
Theo đó, IIP tháng 3 ước tăng 15,41% so với tháng 2 và tăng 15,97% cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 17,24% svck, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,54% svck, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải nước thải tăng 20,77%, duy nhất ngành sản xuất và phân phối điện vẫn giảm so với cùng kỳ là 13,2%.
Lũy kế quý I, IIP dự kiến tăng 13,12% svck năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,84%, đóng góp 14,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,42%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm, ngành khai khoáng tăng 15,85%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng chung, riêng ngành sản xuất, phân phối điện giảm 18,54%, tác động làm giảm 1,33 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong quý vừa qua, Hải Phòng cho hay nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao svck như sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 95,26%, sản xuất thiết bị truyền thông tăng 64,68%, sản xuất đồ điện dân dụng tăng 50,82%, sản xuất săm, lốp cao su, đắp và tái chế lốp cao su tăng 51,54%, gia công cơ khí tăng 41,27%, chế biến và bảo quản thủy sản tăng 37,21%,...
Một số ngành có mức tăng khá là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tăng 24,35%, sản xuất xe có động cơ tăng 18,42%, sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 19,27%, khai thác đá, cát, sỏi tăng 15,85%, dịch vụ liên quan đến in tăng 14,55%;...
Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm là sản xuất hóa chất cơ bản giảm 38,54%, sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 23,48%, sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 63,81%, lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp giảm 52,63%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 24,96%, sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp giảm 26,85%;...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 ước tăng 31,42% so với tháng trước và tăng 14,99% svck năm trước. Lũy kế quý I, chỉ số tiêu thụ tăng 11,08% svck.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 ước giảm 0,32% so với tháng trước và tăng 44,74% svck.
Tính đến 1/3, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp dự kiến tăng 0,48% so với tháng trước và giảm 3,83% svck.
Mức tăng tích cực của chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 3 cũng như 3 tháng đầu năm đã góp phần đưa Hải Phòng trở thành địa phương có mức tăng trưởng GRDP cao thứ 3 cả nước trong quý và thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng (tăng 9,65% so với cùng kỳ 2022).
Năm 2023, Hải Phòng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khoảng 12,7-13% so với năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phấn đấu tăng khoảng 15%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 46%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 54,26%...
Như vậy, mặc dù đạt mức tăng IIP tích cực trong quý I (13,12%), có thể thấy Hải Phòng vẫn cần nỗ lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong các quý tiếp theo nếu muốn đạt mức tăng IIP mục tiêu.
Đầu tháng 3, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, trong tổng số 947 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 24,5 tỷ USD còn hiệu lực trên địa bàn thành phố Cảng, có tới 93% số vốn đầu tư nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Riêng năm ngoái, hơn 81% vốn đầu tư FDI vào Hải Phòng với 56 dự án là trong lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố có một Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với diện tích 22.540ha và 14 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng với tổng diện tích hơn 6.000ha, gồm 9 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 5 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế.
Cụ thể, trừ diện tích các khu công nghiệp chưa giải phóng mặt bằng, đang triển khai, chưa thu hút đầu tư, thì việc lấp đầy diện tích đã đạt tới 94%. Việc mở rộng, phát triển mới các khu công nghiệp đang được Hải Phòng tập trung quyết liệt.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dự kiến xây thêm 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 6.200ha. Đến nay, đã có hai dự án gồm Khu công nghiệp Xuân Cầu với diện tích 752ha và Khu công nghiệp Tiên Thanh với diện tích 410,46ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục cần thiết để khởi công trong thời gian tới. 4 khu công nghiệp khác gồm: Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3 và Giang Biên 2 đang được triển khai thủ tục tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 khu công nghiệp khác với tổng diện tích 3.161ha đang thực hiện các bước chuẩn bị thành lập.