Những yếu tố ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán trong tháng 9

Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+) 16:50 | 04/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Áp lực đáo hạn trái phiếu, cuộc họp về lãi suất của Fed, những thay đổi của Thông tư số 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước được coi là những yếu tố ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán trong tháng 9.

Khách hàng giao dịch chứng khoán. (Nguồn: TTXVN)

Sau nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, giới phân tích cho rằng nhà đầu tư chứng khoán quan tâm đến những thông tin như áp lực đáo hạn trái phiếu, cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những thay đổi của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Đây là nhân tố ảnh hưởng mạnh đến hai nhóm ngành lớn nhất thị trường là ngân hàng và bất động sản.

Tâm lý giới đầu tư vẫn lạc quan

Theo chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), về vĩ mô, với những thông tin tích cực về quyết tâm của Chính phủ duy trì tăng trưởng kinh tế năm nay đạt mục tiêu đề ra là thông tin kích thích đối với giới đầu tư, tuy nhiên những khó khăn đối với thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ tích cực.

Tình hình kinh tế toàn cầu hiện cũng đang khó lường, bất ổn và tăng trưởng thấp, đặc biệt là khu vực EU có nhiều nền kinh tế bước vào suy thoái như Đức, Hà Lan.

Điểm tích cực là nhiều tổ chức tài chính lớn đang nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu dù tốc độ tăng trưởng vẫn không cao... Về tổng thể, nhìn chung tâm lý giới đầu tư vẫn đang khá lạc quan và có niềm tin về chu kỳ hồi phục kinh tế, SHS nhìn nhận

Thực tế, thị trường chứng khoán đã có tuần giao dịch trước nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đầy hứng khởi, VN-Index đã có 4 phiên tăng điểm liên tiếp để vượt đỉnh giá cao nhất năm 2018.

Kết tuần cuối cùng của tháng 8, VN-Index đóng cửa ở mức 1.224,05 điểm, tăng 40,68 điểm so với tuần trước đó.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán và hóa chất thu hút được lực cầu tích cực và có nhiều mã vượt lên trên khu vực đỉnh cũ. Thêm vào đó, việc tăng điểm trở lại của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm VN30 đã tạo tiền đề tích cực, dẫn dắt thị trường nối dài mạch phục hồi.

Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả 3 sàn đạt 21.700 tỷ đồng/phiên, tăng 6,4% so với tuần trước. Khối ngoại mua ròng trở lại với giá trị gần 720 tỷ đồng sau 4 tuần bán ra liên tiếp.

Ngược lại, cá nhân và tổ chức trong nước đảo chiều sang bán ròng với giá trị lần lượt hơn 400 và 300 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng mạnh nhất ở DGC (đạt 203 tỷ đồng), GMD (194 tỷ đồng), VNM (172 tỷ đồng)… Ngược lại, bán ròng mạnh nhất ở SSI với giá trị 217 tỷ đồng, kế đến là DPM (175 tỷ đồng), VPB (137 tỷ đồng).

Về thông tin tác động đến thị trường tuần trước nghỉ lễ, đó là ngày 29/8/2023, tại Hong Kong (Trung Quốc), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì Hội nghị Gặp gỡ các Nhà đầu tư tổ chức và các Đối tác với chủ đề "Khai mở tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam - Hướng tới vị thế thị trường mới nổi."

Việt Nam hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025, hai vấn đề trọng yếu yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài đang được khẩn trương tháo gỡ.

SHS nhận định thị trường tiếp tục xu hướng hồi phục tích cực liên tiếp sau điều chỉnh và nhịp hồi phục ngắn hạn sẽ sớm tiệm cận ngưỡng cản 1.250 điểm. Có khả năng VN-Index sẽ tiếp tục hình thành nhịp tích lũy quanh ngưỡng cản ngắn hạn này để tích lũy nội lực, chuẩn bị cho việc vượt ngưỡng cản trung hạn 1.300 điểm.

"Tuy nhiên hiện tại còn quá sớm để dự báo xa, trước mắt thị trường sẽ hồi phục ngắn hạn và sau đó cần tạo thành khu vực tích lũy mới để tích lũy nội lực trước khi vượt cản mạnh," SHS nhìn nhận.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Theo giới phân tích, trong tháng 9, thông tin được chờ đợi nhất là cuộc họp thường niên bàn về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (fed). Dự báo Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong đợt này, sau một loạt dữ liệu kinh tế cho thấy sự chậm lại trong nền kinh tế Mỹ.

Cuộc họp tiếp theo của Fed để thảo luận về lãi suất dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 19-20/9. Hồi đầu tháng 8, Chủ tịch Fed tại Philadelphia Patrick Harker cho biết, Fed có thể ngừng tăng lãi suất nhằm ngăn ngừa các vấn đề bất ngờ đối với nền kinh tế, nhưng lãi suất sẽ cần duy trì ở mức cao hiện nay trong một thời gian.

Trong nước, vấn đề được theo dõi sát sao là thị trường trái phiếu, khi có khoảng 25.820 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), trong tháng 9/2023 sẽ có khoảng hơn 25,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn.

Tháng 9/2023 vẫn là một trong những tháng có giá trị đáo hạn lớn nhất trong năm 2023, mặc dù tổng giá trị đáo hạn trong tháng 9 giảm khoảng 7,3% so với tháng 8.

Cũng theo VNDIRECT, tính đến ngày 24/8/2023 có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

VNDIRECT ước tính, tổng dư nợ trái phiếu Chính phủ của các doanh nghiệp này vào khoảng 173,68 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 15,9% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

Vào ngày 23/8/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN, ngưng hiệu lực thi hành một số điều khoản tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, đây là thông tin được giới chuyên gia và nhà đầu tư quan tâm.

Giới phân tích nhận định, Thông tư số 10/2023/TT-NHNN được ban hành góp phần giảm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng, tạo đà cho các cổ phiếu bất động sản và ngân hàng tăng giá.

Bên cạnh đó, những thông tin tác động mạnh đến thị trường đó là loạt dự án đầu tư công lớn, các số liệu kinh tế vĩ mô, kỳ vọng vào một số báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2023.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2023 tăng 2,87% so với tháng 7/2023 và 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn đang giảm 0,45% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của nhiều ngành khác nhau đã ghi nhận tín hiệu khởi sắc, bao gồm trang phục, dệt, sợi, sản xuất kim loại, sắt thép gang, sản xuất gỗ, giường tủ, bàn ghế...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8/2023 ước đạt 515,41 nghìn tỷ đồng, tăng 7,42% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,88% so với tháng trước.

Doanh thu từ mảng du lịch lữ hành trong tháng 8 đã tiến sát tới mặt bằng trước dịch COVID-19. Với nhiều hỗ trợ trong các tháng cuối năm, BVSC cho rằng tăng trưởng tiêu dùng sẽ khởi sắc hơn trong các tháng tới.

Về đầu tư công, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tháng 8/2023 đạt 61,326 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và 5,31% so với tháng trước. Như vậy, lũy kế 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 352.155 tỷ đồng, tăng 23,89% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 49,5% kế hoạch cả năm.

Với số lượng dự án lớn đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và có kế hoạch triển khai cụ thể, BVSC nhận định, đầu tư công sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong các tháng tới.

Chỉ số chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,96% so với cùng kỳ trong tháng 8. Giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn hơn đối với lạm phát trong các tháng tới. Dù vậy, với dư địa còn lớn (8 tháng đầu năm mới chỉ tăng 3,1%), BVSC duy trì quan điểm cho rằng chỉ số CPI cả năm 2023 sẽ chỉ ở mức 3-3,5%;

Tính tới ngày 30/8/2023, đồng VND giảm 2,2% từ đầu năm đến nay so với đồng USD. Tỷ giá đang chịu áp lực từ biến động của đồng USD, nhưng rủi ro không lớn như giai đoạn cuối năm 2022. Việc giảm giá của đồng VND, theo quan điểm của BVSC có thể còn hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa trong các tháng còn lại của năm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh mẽ trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới đi lên khi giới đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất.

Đặt cược vào Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất

Thị trường chứng khoán châu Á đi lên trong phiên sáng 4/9, mở đầu một tuần mới trong không khí khá tích cực, giữa bối cảnh giới đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất và hy vọng các biện pháp của Chính phủ Trung Quốc sẽ đủ để ổn định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,1%, sau khi tăng 2,3% vào tuần trước. Thị trường chứng khoán Tokyo của Nhật Bản ghi điểm sau khi chứng kiến Phố Wall tăng điểm vào cuối tuần trước khi dữ liệu việc làm không được như mong đợi, làm dấy lên hy vọng về việc Mỹ sẽ chấm dứt lộ trình tăng lãi suất. Chỉ số Nikkei 225 tăng 0,25% lên 32.792,87 điểm trong đầu phiên giao dịch 4/9.

Trước đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ phần lớn đều đi lên trong phiên 1/9 và kết thúc tuần với mức tăng khá tốt, khi chi phối tâm lý của nhà đầu tư là báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của nước này.

Theo đó, Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,3% lên 34.837,71 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,2% lên 4.515,77 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,1% xuống 14.031,81 điểm.

Tính chung trong cả tuần, Dow Jones đã tăng 1,4%, S&P 500 tăng 2,5% và Nasdaq Composite tăng 3,2%. Riêng S&P 500 đã ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 16/6.

Những diễn biến trên xảy ra sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã tạo thêm 187.000 việc làm trong tháng Tám. Con số này vượt dự báo tăng 170.000 việc làm do các nhà kinh tế đưa ra, nhưng vẫn cho thấy tốc độ tăng việc làm đang chậm lại - điều mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ hoan nghênh trong cuộc chiến hạ nhiệt lạm phát.