Những yếu tố tạo áp lực lên tâm lý giới đầu tư chứng khoán
Kỳ vọng xu hướng mới
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDirect), việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra lộ trình giảm lãi suất “thận trọng hơn” trong năm tới đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, đẩy chỉ số đo lường mức độ sợ hãi (VIX) tăng vọt trong phiên ngày 18/12 lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 11.
Thị trường chứng khoán Mỹ do đó điều chỉnh mạnh và việc dòng tiền tìm nơi trú ẩn khiến chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) tăng vọt vượt mốc 108. Những yếu tố này đã gây sức ép lên tỷ giá trong nước, khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vượt mốc “can thiệp” và buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán ra khoảng 2 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá.
Diễn biến này khiến tâm lý của giới đầu tư chứng khoán trong nước chịu nhiều áp lực và chỉ số VN-Index lùi về sát vùng hỗ trợ 1.250 điểm.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy điểm tích cực là áp lực bán “không quá mạnh” và việc dòng tiền bắt đáy nhập cuộc đã giúp VN-Index giữ vững vùng hỗ trợ trên.
Bước sang tuần giao dịch tới, thị trường tài chính quốc tế có thể diễn biến tích cực hơn khi những thông tin tiêu cực đã được phản ánh phần lớn vào giá, đặc biệt là việc Fed thận trọng hơn về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025, do những bất định trong chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Trump.
Đáng chú ý, thị trường cũng đón nhận một vài thông tin tích cực hơn trong ngày cuối tuần qua, bao gồm việc thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed là chỉ số PCE (chi tiêu tiêu dùng cá nhân) chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ, đều thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo, cho thấy xu hướng lạm phát vẫn đang hạ nhiệt.
Đồng thời, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn Chính phủ Mỹ đóng cửa vào phút cuối cũng giúp giảm thiểu rủi ro bất ổn, kéo chỉ số VIX giảm mạnh trong phiên cuối tuần.
“Tôi kỳ vọng việc thị trường tài chính toàn cầu bình ổn hơn sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi. Chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng quanh 1.270 điểm”, ông Hinh cho biết.
Theo ông Hinh, nhà đầu tư nên tận dùng nhịp phục hồi để tái cơ cấu danh mục đầu tư, hạ bớt tỷ trọng đòn bẩy nếu đang ở mức cao, đồng thời xây dựng danh mục đầu tư xoay quanh các nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và triển vọng kinh doanh cải thiện, bao gồm nhóm vận tải biển, logistics, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản) và ngân hàng.
Ông Phạm Bình Phương chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, khi bị xuyên phá sau phiên giảm khá mạnh cùng với diễn biến chung của thị trường thế giới, mốc hỗ trợ 1.260 đã trở thành thử thách quan trọng của thị trường trong ngắn hạn. Diễn biến suy yếu của thanh khoản hôm cuối tuần qua (20/12) thể hiện cho sự cân bằng ngắn hạn của VN-Index, nhiều khả năng diễn biến cân bằng này sẽ sớm kết thúc và thay thế bởi 1 xu hướng mới trong những phiên tiếp theo. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần chú ý diễn biến phiên ngày 23 và 24/12 khi lượng cổ phiếu của phiên 19/12 giao dịch, ngoài ra mốc hỗ trợ ngắn hạn là vùng 1.250 – 1.253 điểm.
Chuyên gia phân tích thị trường chứng khoán tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) Nguyễn Huy Phương nhận định, thị trường tiếp tục được hỗ trợ và hồi phục nhưng chỉ dừng ở mức thăm dò quanh đường MA20 (chỉ báo trong phân tích kỹ thuật được sử dụng để đo lường giá trung bình của một tài sản trong 20 ngày giao dịch gần nhất).
Thanh khoản giảm so với phiên trước, cho thấy áp lực nguồn cung đã hạ nhiệt nhưng dòng tiền nhìn chung vẫn còn hạn chế và phần lớn tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Mặc dù động thái hỗ trợ chưa dứt khoát nhưng tín hiệu hỗ trợ hiện tại vẫn có thể tạo động lực hồi phục cho thị trường trong thời gian gần tới.
Dự kiến thị trường sẽ kiểm tra lại vùng 1.260 – 1.265 điểm và diễn biến cung cầu tại vùng này sẽ có tác động đến bước đi tiếp theo của thị trường. Do vậy, theo chuyên gia Nguyễn Huy Phương, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng hồi phục của thị trường. Đồng thời, nhà đầu tư có thể khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có diễn biến khởi sắc từ vùng hỗ trợ hoặc đã lùi về vùng hỗ trợ tốt, tuy nhiên cần cân nhắc diễn biến hồi phục để chốt lời ngắn hạn đối với các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản hoặc cơ cấu danh mục.
Về diễn biến thị trường, VN-Index đã có 2 tuần liên tiếp chịu áp lực điều chỉnh sau khi phục hồi từ vùng giá 1.200 điểm. Trong tuần qua, VN-Index có 3 phiên đầu tuần tích lũy, sau đó chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản khá đột biến vào phiên giao dịch thứ 5 (10/12) và phục hồi trong phiên cuối tuần.
Kết thúc tuần giao dịch (từ 23 – 27/12), VN-Index giảm 0,4% về mức 1.257,5 điểm, giao dịch dưới đường giá trung bình 200 phiên quanh 1.260 điểm. Thanh khoản trong tuần giảm với khối lượng giao dịch giảm 9,05% trên HOSE.
Diễn biến chính của thị trường trong tuần qua là phân hóa mạnh. Ở chiều tích cực có nhóm viễn thông, vận tải dầu khí, vận tải biển, cảng...
Tuy nhiên, theo Công ty ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), tuần qua, nhiều mã chỉ giảm giá nhẹ, trong khi vẫn có nhiều mã tích cực, vượt vùng giá đỉnh cũ, cho thấy sự phân hóa của thị trường là tích cực.
Khối ngoại vẫn bán ròng trên HOSE với giá trị 1.324,9 tỷ đồng, ảnh hưởng đến tâm giao dịch của nhà đầu tư lên thị trường chung.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến không mấy tích cực trong tuần qua cũng khá tương đồng với các thị trường chứng khoán thế giới.
Chứng khoán thế giới đi xuống
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, chốt phiên giao dịch cuối tuần, cả 3 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều có mức tăng khá.
Tuy nhiên, phiên tăng điểm ngày 20/12 không đủ để bù đắp mức điểm số đã mất trong mấy trước đó. Quan điểm của Fed sau phiên họp ngày 18/12 về khả năng chỉ có tối đa 2 đợt giảm lãi suất biên độ 0,25 điểm phần trăm đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ rớt điểm mạnh trong phiên giao dịch cùng ngày.
Tính cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 1,99%, chỉ số Nasdaq giảm 1,78% và chỉ số Dow Jones giảm 2,25%. Như vậy, chỉ số Nasdaq đã chấm dứt chuỗi tăng điểm kéo dài bốn tuần, trong khi chỉ số S&P 500 ghi nhận mức giảm phần trăm theo tuần lớn nhất trong sáu tuần qua, còn chỉ số Dow Jones ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm điểm trong phiên 20/12, trong khi đồng USD duy trì đà tăng so với các đồng tiền khác khi các nhà đầu tư đánh giá tác động từ triển vọng cắt giảm lãi suất đã được điều chỉnh của Cục Dự trữ liên bang (Fed) và chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.
Dữ liệu cho thấy lạm phát của Nhật Bản tăng cao hơn dự kiến trong tháng trước đã không giúp ích nhiều cho đồng yen, vốn đã chịu áp lực từ lập trường "diều hâu" hơn của Fed và việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) từ chối thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các nhà giao dịch hiện đang chờ đợi dữ liệu về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ được công bố vào cuối ngày, thước đo lạm phát ưa thích của Fed và là dữ liệu quan trọng cuối cùng của năm.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 38.701,90 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,2% xuống 19.720,70 điểm, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,1% xuống 3.368,07 điểm.
Chứng khoán Sydney, Singapore, Seoul, Đài Bắc, Mumbai và Bangkok cũng giảm, trong khi chứng khoán Wellington, Jakarta và Manila tăng.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed ngày 18/12 đã cắt giảm lãi suất như dự kiến, song đánh tín hiệu về việc có thể chỉ có hai lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025, so với ước tính bốn lần cắt giảm đưa ra trước đó.
Dữ liệu cho thấy tăng trưởng của kinh tế Mỹ và chi tiêu tiêu dùng vượt dự báo cũng không thể xoa dịu những lo ngại rằng Fed sẽ giữ chi phí đi vay ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, thị trường đang đặt cược sẽ có ít hơn hai lần cắt giảm lãi suất cho cả năm 2025.
Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 18/12 thừa nhận rằng các kế hoạch kinh tế của ông Trump, bao gồm tăng thuế quan, cắt giảm thuế và trục xuất hàng loạt, đã được cân nhắc khi các nhà hoạch định chính sách đưa ra các ước tính cắt giảm lãi suất của họ.
Các nhà kinh tế tại Bank of America Global Research cho biết ngân hàng này vẫn giữ nguyên dự báo hai lần cắt giảm lãi suất nữa trong năm tới, nhưng rủi ro rõ ràng đã chuyển sang hướng ít lần cắt giảm hơn (hoặc không cắt giảm). Việc cắt giảm lãi suất hiện nay là dựa vào dữ liệu để chứng minh cho việc cần cắt giảm thêm.