Tổng tài sản của NCB tăng lên mức gần 75.500 tỷ đồng

Đông Bắc 09:41 | 22/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – Mã: NVB) vừa công bố báo cáo tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý II/2022. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của NCB là 19 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận là hơn 125 tỷ đồng.

 

 NCB giữ đà tăng trưởng ổn định trong quý II. Ảnh NCB.

Báo cáo hợp nhất 6 tháng của Ngân hàng Quốc dân  (NCB) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng vọt từ 3% hồi đầu năm lên 11% vào cuối tháng 6/2022.

Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng được giới chuyên gia dự báo tăng mạnh từ nửa cuối năm khi các nhà băng phải ngừng cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19 từ 30/6.

Tuy nhiên, nợ xấu tăng vọt tại NCB cũng là hiện tượng lạ trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính khác như VIB, TPBank, BacABank... ghi nhận nợ xấu đi ngang hoặc tăng không đáng kể. Mức nợ xấu 11% của NCB là con số cao trong bối cảnh phần lớn nhà băng đều giữ tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3%.

Tỷ lệ nợ xấu dưới 3% là một ngưỡng quan trọng đánh giá chất lượng tài sản ngân hàng. Một nhà băng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác...

Nợ xấu của NCB vọt lên 11% trong quý II. Nguồn: Đông Bắc tổng hợp.

Tính đến hết quý II/2022, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng Quốc dân tăng 7% so với đầu năm lên gần 44.355 tỷ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày) của NCB tăng 90% từ 600 tỷ lên 1.144 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (chậm trả 3 tháng đến dưới 1 năm) gấp 15 lần so với đầu năm, từ mức 180 tỷ lên 2.626 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (quá hạn trên 1 năm) cũng tăng hơn 140% lên 1.130 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6, tiền gửi của khách hàng tại NCB cũng giảm 2% so với đầu năm xuống 63.200 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp tiền gửi chảy vào hệ thống Ngân hàng Quốc dân ghi nhận chiều hướng đi xuống.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của NCB tăng nhẹ 2,2% lên mức gần 75.500 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của NCB là 19 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận là hơn 125 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động chính là tín dụng giảm 30% so với cùng kỳ còn hơn 450 tỷ, được bù đắp bởi lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 3 lần lên 140 tỷ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân tăng gấp 6 lần trong một năm rưỡi lên mức kỷ lục hơn 39.000 đồng một cổ phiếu vào đầu tháng 4 năm nay. Chốt phiên 21/7, mỗi cổ phiếu NVB đứng ở mức giá 29.500, giảm 25% so với mức đỉnh.

Kết thúc quý II/2022, tăng trưởng tín dụng của NCB tăng 6,5% so với đầu năm. Thực hiện theo tinh thần của chỉ thị 01/2022/CT-NHNN, NCB định hướng phát triển khách hàng trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội do ảnh  hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 như: cho vay lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao…; hạn chế cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Ngoài ra, NCB  cũng đã đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất gần 300 tỷ đồng đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong 2 năm 2022-2023 theo chỉ đạo của NHNN về chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Năm 2022, NCB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 608 tỷ đồng; Tổng tài sản tăng lên mức hơn 78 nghìn tỷ đồng; Tín dụng của Ngân hàng được dự kiến tăng trưởng trong mức quy định của NHNN. Ngân hàng này cũng đặt kế hoạch tập trung thu hồi, xử lý nợ xấu, mục tiêu thu hồi đúng như kế hoạch tại Phương án cơ cấu lại; tái cấu trúc toàn diện chất lượng tài sản; tăng cường công tác giám sát, quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.