Nhiều ngân hàng phát mại tài sản thế chấp, cần chú trọng điều gì?

Đông Bắc 07:25 | 19/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian gần đây, các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV liên tiếp phát mại các dự án bất động sản để thu hồi nợ. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ bằng tài sản bảo đảm của các ngân hàng lại đang gặp không khó khăn.

Mới đây, VietinBank (HoSE: CTG) chi nhánh Bắc Phú Thọ thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ thương mại của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bắc Á.

Ngân hàng  cho biết tính đến hết 30/6, toàn bộ khoản nợ bao gồm nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt, phí của doanh nghiệp nêu trên là hơn 30,2 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 24,1 tỷ.

Tài sản bảo đảm của khoản nợ gồm máy móc thiết bị dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhà máy gạch tuynel Bắc Á được xây dựng gắn liền với diện tích đất thuê gần 13.000 m2 tại xã Sơn Vi - huyện Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ. Trong đó, tài sản cụ thể gồm nhà xưởng sản xuất công suất 70 triệu viên gạch/năm, dây truyền, máy móc sản suất (lò nung, máy chế biến tạo hình, trạm biến áp…).

Bên cạnh đó, tài sản thế chấp cũng thuộc nhà máy gạch tuynel Bắc Á gồm 3 nhà xe, nhà bảo vệ, chòi, nhà điều hành, trạm xăng, sân lát gạch chỉ, sân bê tông, đường nội bộ, nhà vệ sinh chung và các công trình phụ trợ khác.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có một xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry biển kiểm soát 19A-186.76 đứng tên chủ sở hữu CTCP Đầu tư và Xây dựng Bắc Á.

Mức giá khởi điểm đấu giá cho toàn bộ tài sản trên là 30,2 tỷ đồng, tương đương với tổng dư nợ của doanh nghiệp tính đến 30/6.

 Vietcombank phát mại hai lô đất hơn 2.400 m2 tại TP HCM và Đà Lạt. Ảnh minh họa. 

Tương tự, Vietcombank (HoSE: VCB) chi nhánh Đông Sài Gòn thông báo phát mại tài sản đảm bảo tại số 117 đường Đông Tĩnh, phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc thửa số 2166 có diện tích 995,26 m2, trong đó diện tích xây dựng là 165,80 m2, diện tích sàn là 450,52 m2. Ngân hàng cho biết tài sản bảo đảm nêu trên của ông Vũ Hoa Cường do Chi cục thi hành án dân sự TP Đà lạt kê biên bảo đảm thi hành án theo Quyết định thi hành án số 50 ngày 12/1/2021.

Giá đấu khởi điểm là 50 tỷ đồng, khách hàng tham gia đấu giá đặt cọc 10%. Vietcombank dự kiến đấu giá tài sản trên vào ngày 25/7 tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng.

Liên quan đến tài sản trên, tháng 7/2021 trên website của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng có đăng thông báo bán đấu giá tài sản trên với giá 39,5 tỷ đồng. Nếu so với mức giá khởi điểm của Vietcombank, giá trị lô đất gần 1.000 m2 này đã tăng 10,5 tỷ đồng sau một năm.

Vietcombank chi nhánh TP HCM cũng có thông báo khác về việc bán đấu giá tài sản thế chấp là 1.428 m2 đất tại huyện Bình Chánh, TP HCM. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của công ty TNHH Kim loại Việt Phong để thu hồi nợ.

Tài sản thế chấp cho khoản nợ trên là quyền sử dụng 1.428 m2 đất tại thửa đất số 424, tọa lạc tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP HCM. Vietcombank cho biết mục đích sử dụng là đất cụm công nghiệp (xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân), thời gian sử dụng đến ngày 27/9/2055.

Tài sản trên được Vietcombank rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa ghi nhận kết quả. Giá khởi điểm cho tài sản trên là 12,6 tỷ đồng, giảm 1,43 tỷ đồng so với lần đăng thông báo hồi tháng 6/2021.

Trong khi đó, BIDV (HoSE: BID) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản khoản nợ của một khách hàng tại BIDV. Ngân hàng không công bố thông tin cụ thể về chủ khoản nợ.

Tổng dư nợ của vị khách hàng này tại BIDV chi nhánh Tây Hồ tạm tính đến 30/6 là hơn 56 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 26,8 tỷ, nợ lãi trong hạn và quá hạn là hơn 29,1 tỷ đồng.

Ngân hàng cho biết tài sản bảo đảm của khoản nợ là tài sản gắn liền với đất tại phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, cùng với đó là hệ thống máy móc thiết bị tại nhà xưởng Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, tài sản thế chấp còn là hai quyền sử dụng đất tại Hà Nội, gồm quyền sử dụng đất tại Phương Liên, quận Đống Đa và quyền sử dụng đất tại Lò Đúc, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng. Ngoài ra, tài sản còn là một xe ô tô tải Hyundai.

BIDV cũng có một thông báo khác về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là dây chuyền, máy móc thiết bị, phương tiện chuyên dụng và hàng hóa tồn kho của CTCP Vĩnh Thành. Cụ thể, tài sản có địa chỉ tại KCN Dệt may Phố Nối, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên...

Ngân hàng cho biết giá khởi điểm cho toàn bộ tài sản trên là 4,6 tỷ đồng.

Trước đó, Vietcombank, BIDV, Viettinbank, Agribank... cũng nhiều lần phát mại các dự án bất động sản để thu hồi nợ nhưng chưa khả thi... Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho việc xử lý tài sản để thu hồi nợ kém hiệu quả?

Xử lý tài sản để bảo đảm thu hồi nợ không hề đơn giản

Trước việc nhiều ngân hàng phát mại tài sản để thu hồi nợ nhưng bất thành, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW đã đưa ra quan điểm đứng ở góc độ pháp lý.

Luật sư Nguyễn Thành Hà cho biết: Có thể thấy, nguyên nhân trước tiên là về kinh tế. Nhiều tài sản bảo đảm mà ngân hàng muốn phát mại để thu tiền về nhưng qua thời gian xử lý nợ xấu, tài sản trở nên hết giá trị hoặc là giá trị còn thấp. Ví như một chiếc xe ô tô đời những năm 2006-2010 thì đến nay cũng không còn ai mặn mà với tài sản đó nữa.

Thêm nữa, việc định giá tài sản đôi khi lại chưa sát với giá thị trường, dẫn đến việc nhiều tổ chức, cá nhân cũng mong muốn mua tài sản đấy nhưng giá quá cao so với thị trường. Chưa kể khi mua xong vẫn còn rất nhiều thủ tục liên quan khác nữa khiến người mua còn e ngại.

Ngoài ra, nhiều tài sản bảo đảm để giá rất cao nhưng không bán được, qua nhiều phiên đấu giá lẽ ra giá tài sản sẽ giảm sâu nhưng thực tế, giá chỉ giảm nhỏ giọt.

Mặt khác, các thủ tục về đấu giá tài sản ở, định giá tài sản trong các quy định của pháp luật hiện chưa đồng nhất cũng gây khó cho việc thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

 Luật sư Nguyễn Thanh Hà. Ảnh Di Vi.

Luật sư Nguyễn Thành Hà phân tích thêm: Các tổ chức tín dụng đều mong muốn xử lý tài sản một cách nhanh chóng. Nhưng nếu đưa ra cơ quan tố tụng là cơ quan tòa án hoặc trọng tài thì tương đối mất thời gian. Bởi các vụ việc đưa ra cơ quan tòa án tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh thường kéo dài rất lâu, nhiều vụ kéo dài đến 2-3 năm, thậm chí đến mười mấy năm mà vẫn chưa kết luận cuối cùng.

Thêm nữa, thực tế khách quan cho biết mỗi thẩm phán ở tòa án tại thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh hàng năm phải xử rất nhiều vụ việc, có người xử đến 150 vụ việc liên quan trong 1 năm. Mặt khác, các vụ việc về tài chính ngân hàng, xử lý tài sản tương đối phức tạp, mất thời gian, liên quan đến nhiều bên. Vì vậy, quá trình thụ lý giải quyết tương đối lâu.

Chưa hết, các vụ việc được giải quyết tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng dân sự, có nghĩa là chỉ tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của bị đơn mới có thẩm quyền giải quyết. Trong khí đó, các tổ chức tín dụng có rất nhiều khách hàng ở khắp các địa phương trên cả nước Vì vậy, để khởi kiện tổ chức tín dụng phải cử người đi xuống từng quận, huyện để nộp đơn khởi kiện rồi theo đuổi vụ kiện đấy.

Ngân hàng đang gặp khó khăn dù phát mại bằng những dự án bất động sản, luật sư Nguyễn Thanh Hà lý giải: Bất động sản là những tài sản có giá trị lớn và được thẩm định tương đối kỹ. Thời gian qua, với sự bùng nổ của thị trường bất động sản thì giá bất động sản cũng đang tăng so với lại các cái mặt hàng khác. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19, các nguồn đầu tư, nguồn lực xã hội đầu tư nhiều vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Vì vậy, các ngân hàng đang có tài sản bảo đảm là bất động sản, theo tôi việc xử lý là thuận lợi. Tuy nhiên, không phải là không có những vướng mắc còn tồn tại.

Tài sản bất động sản  liên quan đến nhiều lĩnh vực và quy định pháp luật khác nhau như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật đầu tư… Vì vậy, để xử lý một tài sản bảo đảm là bất động sản lớn, ngân hàng phải mất rất nhiều thời gian từ lúc tổ chức đấu giá cho đến khi chọn được nhà đầu tư đủ tiềm lực.

Sau cùng, luật sư Nguyễn Thanh Hà đưa ra giải pháp về việc các ngân hàng phát mại tài sản thu hồi nợ hiểu quả. Ông Hà cho biết: Theo tôi, sự phối hợp của các cơ quan tư pháp, tòa án, các cơ quan thi hành án rất quan trọng. Bởi khi một vụ việc được tổ chức tín dụng đưa ra giải quyết tại cơ quan tư pháp thì cần phải thúc đẩy xử lý một cách nhanh chóng và kịp thời. Đối với những vụ việc đơn giản, có thể áp dụng thủ tục rút gọn để làm sao những cái khoản vay nhỏ có chứng cứ rõ ràng có thể được giải quyết nhanh chóng

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu bằng cách tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp để thúc đẩy tín dụng, việc thẩm định, xác minh tài sản bảo đảm chưa đúng hoặc đẩy giá lên quá cao dẫn đến khi phát sinh nợ xấu, đem bán tài sản vẫn không đủ trả nợ mới bộc lộ ra lỗ hổng trong định giá.

Thêm nữa, khi các tổ chức tín dụng đưa vụ việc ra tòa, đến lúc ra được bản án cũng cần xem kỹ bản án đấy có khả năng thi hành hay không, các phán quyết có thể được thi hành tại cơ quan thi hành án hay không. Nếu phán quyết hoặc bản án chưa rõ ràng thì chúng ta phải ngay lập tức yêu cầu ở cơ quan tòa án đính chính hoặc sửa lại để đảm bảo khi đưa ra cơ quan thi hành án thì bản án có thể được thi hành.