Nông nghiệp 4.0: Chìa khóa tiếp cận thị trường châu Âu

16:54 | 20/09/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Các doanh nghiệp cần nhớ, chất lượng hàng hóa, thông lệ quốc tế cũng như những điều khoản khác trong hiệp định mà Việt Nam đã cam kết là chìa khóa quan trọng để thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra.

Đây là đánh giá của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn nông nghiệp bền vững Việt Nam – châu Âu với chủ đề “Nông nghiệp 4.0: Chìa khóa tiếp cận thị trường châu Âu” mới đây.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 8 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 26,6 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của châu Âu trong khối các nước ASEAN.

Cùng với đó, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) với mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Đồng thời Hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam có sự dịch chuyển mạnh mẽ bởi ngay sau khi có hiệu lực sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký. Ðáng lưu ý, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Nông nghiệp 4.0: Chìa khóa tiếp cận thị trường châu Âu - ảnh 1
 Các chuyên gia thảo luận về tình hình phát triển nông nghiệp tại Diễn đàn nông nghiệp bền vững Việt Nam – châu Âu.
Nhìn nhận về tình hình phát triển nông nghiệp hiện nay, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành lên tới 40 tỷ USD. Dù EVFTA đã được ký kết và sớm có hiệu lực thực thi, nhưng các nước thành viên trong khu vực Liên minh châu Âu vẫn đang tiếp tục xem xét những điều khoản và cam kết của hiệp định này.
Theo ông Phòng, đây vừa là cơ hội song cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt, đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn để tận dụng các cơ hội và khỏa lấp những rào cản, thách thức đang có, sẽ có và làm sao duy trì được tốc độ tăng trưởng hay thúc đẩy mạnh mẽ kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần nhớ rằng, chất lượng hàng hóa, thông lệ quốc tế cũng như những điều khoản khác trong hiệp định mà Việt Nam đã cam kết là chìa khóa quan trọng để thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương bày tỏ, ngay khi Hiệp định EVFTA được ký kết, cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU trong thời gian tới rất lớn. Bởi EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại thứ 2 tại ASEAN (sau Singapore). Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ làm thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường; đồng thời thu hút đầu tư trong nước vào nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên theo bà Trang, bên cạnh những thuận lợi, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước cũng gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. EU là thị trường khó tính, các sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Bà Trang chỉ ra, những mặt hàng nông sản Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản… sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường châu Âu. Với gạo, người tiêu dùng ở lục địa này đã quen với gạo Thái Lan, Campuchia…, nên gạo Việt Nam phải cạnh tranh rất nhiều. Đối với cà phê, doanh nghiệp Việt phải làm tốt câu chuyện thương hiệu để mở rộng thị trường. Hàng thủy sản thì phải khắc phục được “thẻ vàng” chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo theo quy định của EU… Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản sản phẩm cũng cần phải lưu ý nếu muốn xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU.
Nông nghiệp 4.0: Chìa khóa tiếp cận thị trường châu Âu - ảnh 2
Phát triển nông nghiệp bền vững chìa khóa tiếp cận thị trường châu Âu.
Còn theo đánh giá của Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier thì ai cũng biết rằng ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ là một trong những ngành được nhiều lợi ích nhất từ EVFTA, vì việc giảm thuế sẽ làm tăng nhu cầu và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tiêu dùng lớn, chi tiêu cao của châu Âu.
Tuy nhiên, ông Nicolas Audier cho rằng, EU có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu thực phẩm. Vì vậy, việc các doanh nghiệp châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam kết hợp với nhau, học hỏi lẫn nhau và giúp phát triển một ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam với các sản phẩm an toàn, được chứng nhận và theo dõi là điều cấp thiết.
Do đó, để nền nông nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh và sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể “đặt chân” vào thị trường EU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh yêu cầu cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo để tăng năng suất chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện, nâng cao đời sống người  nông dân, phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược của ngành nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành kinh tế nông sản đứng top 10 nước hàng đầu thế giới. Đặc biệt, Việt Nam phải phấn đấu là trung tâm chuyên sâu về nông sản thế giới.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc, NS BlueScope Lysaght Việt Nam lưu ý, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào kinh doanh hộ gia đình quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định và cơ cấu chi phí cao, hạn chế đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào thị trường yêu cầu cao và phát triển. Gia tăng lợi thế cạnh tranh đòi hỏi giải pháp hoàn thiện, đồng bộ từ chăn nuôi (giống, thức ăn, môi trường nuôi động vật) đến giai đoạn cuối cùng là chế biến thịt là một trong những giai pháp đồng bộ tất yếu ngành chăn nuôi Việt Nam phải thực hiện khi gia nhập các sân chơi thương mại chung của thế giới.