Nông sản Việt Nam và `cơ hội vàng` tiến vào EU
Thị trường EU chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu khi hiệp định Thương mại tự do EVFTA thuế suất trở về 0%,đã mở ra "cơ hội vàng" cho ngành nông sản Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn cho biết, hiện đơn hàng xuất khẩu sang EU đang có xu hướng tăng. Nhiều nhà nhập khẩu EU trước đây mua hàng nông sản của Thái Lan nay chuyển sang nhập hàng Việt Nam vì những lợi thế về thuế nhập khẩu. Cùng đó, giá thành rau quả Việt Nam tại EU thấp hơn, tiêu thụ tốt nên nhà nhập khẩu cũng hào hứng hơn.
Tận dụng nguồn lực
Đối với ngành rau quả Việt Nam có lợi thế khác biệt về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh thái với khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với sự phân hóa địa hình tạo nên các tiểu vùng sinh thái có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả. Diện tích cây ăn quả trên toàn quốc những năm gần đây liên tục tăng nhanh. Năm 2019, diện tích cây ăn quả đạt 964 nghìn ha, tăng 56,4 nghìn ha so với năm 2018, sản lượng đạt 9,3 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt trên 6%/năm.
Những năm gần đây, Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh cả về kim ngạch xuất khẩu lẫn mở rộng thị trường cho mặt hàng trái cây. Hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand...
Việt Nam là một nước nông nghiệp với nguồn cung dồi dào
Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau, quả Việt Nam. Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế cắt giảm sâu (từ 6-30%) và theo lộ trình tương đối nhanh (nhiều mặt hàng 1-6 năm). Khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dừa, bưởi…
Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam. Từ sự kiện này mở ra tiềm năng mới, xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.
Cơ hội lớn đi đôi với thách thức
Mặc dù EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU. Do vậy, ta đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông sản Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, trước đây rau quả tươi Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu bằng đường hàng không, cước phí rất cao, rồi dùng đó làm căn cứ để tính thuế nhập khẩu làm đội giá thành. Do vậy, việc thuế suất về 0% với Hiệp định EVFTA đã tạo ra lợi thế rất lớn cho rau quả Việt Nam.
EU không giới hạn mặt hàng trong ngành rau củ quả và sản lượng nhập khẩu. Trong khi đó, nhiều thị trường chính của rau quả Việt Nam đòi hỏi phải đàm phán mở cửa từng mặt hàng, khi xuất khẩu còn phải xử lý nhiệt bằng hơi nước rất tốn kém. Hơn nữa, rau quả nhiệt đới từ Việt Nam không phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của EU chủ yếu là trái cây ôn đới nên tiềm năng là rất lớn. Trong tương lai, khi Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ bảo quản có thể giữ rau quả tươi hơn 40 ngày để vận chuyển bằng đường tàu biển thì chi phí sẽ hạ, giá thành rẻ hơn. Khi đó, rau quả Việt Nam sẽ càng chiếm thế thượng phong so với các đối thủ như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… hiện chưa có FTA với EU.
Cơ hội để đưa nông sản Việt Nam phủ rộng thị trường châu Âu là rất lớn
Tuy nhiên, cơ hội lớn nhưng thách thức cũng nhiều. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, sự cạnh tranh về giá cả thì còn những vấn đề mới mà DN phải lưu tâm. Đó là sản phẩm phải thân thiện với môi trường, DN phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, vấn đề về lao động, bình đẳng giới…
Tuy nhiên, các chuyên gia về kinh tế cũng nhìn nhận, với thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm như EU thì việc đảm bảo nguồn cung là điều rất quan trọng. Hiện canh tác ở Việt Nam còn manh mún, số trang trại có chứng nhận GlobalGAP, tiêu chuẩn để xuất khẩu vào EU chỉ chiếm 3-4% nên DN khó khăn trong việc thu mua sản phẩm. Do đó, rất cần tuyên truyền, tập hợp nông dân liên kết với DN xây dựng vùng trồng đáp ứng yêu cầu thị trường EU về số lượng, chất lượng.
Một thách thức khác cho ngành nông nghiệp khi tham gia EVFTA là việc đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo quyền lợi hưởng ưu đãi. Một số ngành hàng hiện nay của Việt Nam có nguy cơ khó đáp ứng các quy định này.
Trái ngọt đầu tiên
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã có những động thái nghiên cứu, thăm dò và hoạch định các chiến lược thâm nhập thị trường này từ lâu. Nhất là các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây như: dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn. Riêng mặt hàng dừa xiêm xanh đã thâm nhập được vào thị trường EU.
Các mặt hàng khác như nhãn, sầu riêng, bưởi da xanh... đã có doanh nghiệp xuất khẩu thử nghiệm, thăm dò. Kỳ vọng sắp tới là các mặt hàng dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng. Các mặt hàng này sẽ đẩy mạnh quảng bá thông qua các tham tán thương mại, hiệp hội doanh nghiệp của châu Âu.
Lô hàng trái cây đầu tiên hưởng thuế xuất 0% đã vào xuất khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 2 tháng Hiệp định EVFTA được thực thi, xuất khẩu nông sản sang EU đã có sự chuyển biến tích cực. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản trong 2 tháng 8 và 9 ước đạt 711 triệu USD. So với tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sang EU trong tháng 8 tăng 16,6% và tháng 9 tăng 20,3%.
Khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8 vừa qua, lập tức Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Đức và Pháp với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc doanh nghiệp (DN) này, cho biết giá gạo ST20 mà công ty xuất khẩu sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. Trong khi trước đây, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU chỉ khoảng 800 USD/tấn, gạo Jasmine 520 USD/tấn. Nối tiếp sự kiện này, vào cuối tháng 9, Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cũng đã xuất khẩu 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 sang EU.
Ở mặt hàng trái cây, Công ty Vina T&T (Bến Tre) đã xuất khẩu bằng đường tàu biển và hàng không gồm 20.000 quả dừa tươi sang thị trường Anh, 12 tấn bưởi da xanh sang Đức và 3 tấn thanh long sang Hà Lan. Trung bình mỗi tuần, đơn vị này sẽ xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang EU.
Hiện tại, Trung Quốc và nhiều thị trường trọng điểm chuẩn bị bước vào mùa đông, nên nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ rau quả nhiệt đới đang tăng lên. Cộng với việc dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng được kiểm soát và những tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, dự báo trong những tháng cuối năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ khả quan hơn.
EU hiện đang là thị trường lớn nhất của chanh leo Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng chanh leo xuất sang EU là 2 ngàn tấn, trị giá 16 triệu USD, giảm 0,9% về lượng nhưng lại tăng 2,5% về giá trị so với nửa đầu năm 2019. Với giá trị như trên, EU hiện đang chiếm tới 49,6% tổng trị giá xuất khẩu chanh leo của Việt Nam. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nổi lên là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu khu vực do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất và nhu cầu từ thị trường quốc tế, nhất là các thị trường cao cấp như EU. |
Nguyễn Dung(t/h)