Nông sản xuất khẩu sẽ được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa sớm

09:13 | 28/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực ưu tiên cấp C/O đối với nông sản xuất khẩu tại các địa phương đang chịu những thiệt hại của dịch bệnh.

Theo thông tin từ Cục Xuẩt nhập khẩu (Bộ Công Thương) thì nhiều địa phương đang có dịch Covid-19 đang phải giãn cách xã hội. Do đó, việc tiêu thụ nông sản đang gặp nhiều khó khăn. 

Chính vì vậy, để trợ giúp cho người nông dân tháo gỡ phần nào những khó khăn thì Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu đã ký và ban hành công văn số 334 - yêu các đơn vị quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hoá) cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Trong loại mặt hàng được nhắc tới, Cục Xuẩt nhập khẩu nhấn mạnh đặc biệt tới vải thiều. Nhất là các vải có xuất xứ từ Bắc Giang, Hải Dương đang trong vụ mùa, có thời gian thu hoạch ngắn. Đề nghị phòng quản lý xuất nhập khẩu tại Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai xem xét làm thêm giờ, kể cả cuối tuần, ngày nghỉ để hoàn thiện hồ sơ cấp C/O.

Bên cạnh đó Cục xuất nhập khẩu cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý xuất nhập khẩu trực thuộc tại biên giới phía Bắc báo cáo ngay nếu quan sát diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phát hiện tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu. 

Nông sản xuất khẩu sẽ được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa sớm - ảnh 1

Vải thiều đang được ưa thích tại nhiều thị trường quốc tế, trong đó có Nhật Bản

Trong 4 tháng đầu năm 2021, các phòng quản lý xuất nhập khẩu đã chứng nhận 420.000 bộ C/O, trị giá lên tới 21 tỷ USD cho hàng hóa xuất sang thị trường được hưởng ưu đãi nhờ các hiệp định thương mại tự do.

Trước đó, Bộ Công thương cũng đã có động thái tháo gỡ "ách tắc" cho nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ đề nghị các tỉnh, thành tại biên giới phía Bắc ưu tiên thông quan luồng xanh với các loại vải xuất khẩu và khuyến khích các đơn vị xuất khẩu xuất hàng chính ngạch. 

Tại nhiều địa phương đang bắt đầu vào vụ mùa thu hoạch nông sản (dứa, vải...). Đối với vải sản lượng tiêu thụ tại Bắc Giang dự tính sẽ lên đến 180.000 tấn, còn ở Hải Dương khoảng 55.000 tấn. 

Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/5 vừa qua Bắc Giang đã đưa hơn 20 tấn vải thiều Tân Yên sạch, không Covid-19 đã lên đường xuất khẩu sang Nhật. Được biết, để có được những tấn vải thiều như vậy chính quyền đã phải thực hiện nhiều biện pháp như cách ly trường hợp F1 ra khỏi vùng cây trồng. Lập nhiều tổ, chốt kiểm tra rà soát người, phương tiện ra vào vùng thu hoạch, đảm bảo quy định phòng dịch Covid-19. 

Còn Hải Dương cũng đã xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên trong năm 2021 vào hồi giữa tháng 5 sang các thị trường trọng điểm là Nhật và Singapore. 

Trong khi đó, tại thị trường trong nước thì trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các tỉnh đang trong vụ mùa vải thiều chủ trương đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử bên cạnh phương thức truyền thống. Ngày 26/5, giá vải thiều dao động trung bình từ 20.000 - 28.000 đồng/kg, có thời điểm đã tăng lên 32.000 - 35.000 đồng/kg.

H.S

Xem thêm: Vải Bắc Giang bị ép giá xuống 2.000 đồng/kg trong tâm dịch: Sự thật là gì?