“Phải bán hàng bằng cảm xúc” để tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử
“Không chỉ là bán sản phẩm, mà còn bán cảm xúc, câu chuyện”
Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hình thức bán hàng qua phát trực tuyến (livestream), các doanh nghiệp, nông dân đã và đang sử dụng công nghệ để bán hàng một cách hiệu quả. Không khó để bắt gặp hình ảnh một nông dân vừa livestream chăm sóc, thu hoạch nông sản, vừa bán trực tiếp trên các sàn như TikTok, Shopee,... Với cách này, không chỉ bán được hàng, nông dân cũng thu được tiền trực tiếp mà không cần qua trung gian, tối ưu hoá lợi nhuận.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết: “Từ năm 2019, thời điểm dịch Covid 19 đã xuất hiện xu hướng tăng cường tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Xuất phát với những bước nhỏ, lúc đó chúng tôi xúc tiến trên sàn thương mại như Shopee, Lazada.
Sau thời gian dịch bệnh, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là sự bùng nổ của các kênh TMĐT mới, trong đó có các mạng xã hội, TikTok. Trên cơ sở xu hướng đó, chúng tôi xác định việc triển khai xúc tiến thương mại nông sản trên TMĐT là tất yếu, mặc dù tỷ lệ chỉ có 5-7% trong tổng giá trị, đặc biệt là những khó khăn trong việc bán nông sản như vận chuyển, giá thành,...
Đến cuối năm 2022, đầu 2023, Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp đã ký kết hợp tác với TikTok Việt Nam nhằm nâng tầm nông sản Việt. Bỏ qua những khó khăn, đến nay đã đạt được những thành quả nhất định".
Thay đổi tư duy từ ngành sản xuất sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường là quãng thời gian dài, nhưng thành quả mang về đã thay đổi cuộc sống của rất nhiều nông dân.
“Ví dụ như với mặt hàng sầu riêng, trước đây chỉ nổi tiếng và được biết đến nhiều ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Sầu riêng ở Việt Nam có tuổi đời lâu nhất chỉ khoảng 20 năm, và được trồng để ăn “chơi”. Thậm chí nhiều người dân Việt Nam cũng không biết ăn loại quả này.
Nhưng chỉ trong vòng 5 năm, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước ta có tới 152.000ha sầu riêng. Dự kiến sản lượng năm 2024 đạt 1,2 triệu tấn. Nếu tính về diện tích và sản lượng thì Việt Nam chỉ thua Indonesia. Nếu như năm 2022 xuất khẩu sầu riêng chỉ thu về 2-300 triệu USD, thì sang 2023 đã thu về 2,3 tỷ USD, và năm nay dự kiến từ 3-4 tỷ USD.
Nông sản đa giá trị gắn liền với trải nghiệm khách hàng là đặc trưng và cũng là nét riêng để nông sản có thể bán được trên TMĐT. “Sản xuất nông nghiệp không chỉ tạo ra dinh dưỡng, mà còn tạo ra cảm xúc, những tác động tích cực đến môi trường, văn hoá, bảo tồn giá trị văn hoá. Và làm sao để chúng ta bán được những giá trị đó?”, ông Minh đặt câu hỏi.
Theo vị này, trên sàn TMĐT có 2 xu hướng khác biệt nhau. Một là TMĐT thông qua các sàn thông thường như Shopee, Lazada,... cạnh tranh nhau về giá. Người tiêu dùng có thể chủ động tìm kiếm sản phẩm nào rẻ nhất. Loại thứ hai là mua sắm trên cơ sở cảm xúc, thông qua livestream, các clip ngắn. Với nông sản, đặc biệt là hộ kinh doanh nhỏ, hợp tác xã không có năng lực, quy mô lớn thì bán hàng bằng những clip về quá trình sản xuất, chăm sóc, từ đó tác động đến hành vi mua hàng.
“Bán một quả bí trên sàn thương mại điện tử thì một cân chỉ 7.000 đồng, nhưng chi phí vận chuyển lên tới 53.000 đồng. Mình phải kể câu chuyện như thế nào để người tiêu dùng vẫn vui vẻ chi tiền. Đây là hướng tiếp cận mới trong xúc tiến thương mại. Bán bằng cảm xúc, câu chuyện thực sự”, đại diện Trung tâm xúc tiến thương mại nhận định.
Người tiêu dùng ngày càng khó tính
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê ngày 29/5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17%; du lịch lữ hành tăng 34,3%
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam cho biết các nghiên cứu người tiêu dùng 2024 của NielsenIQ cho thấy người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang gặp áp lực về việc chi phí sinh hoạt tăng, dẫn tới việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, đồng thời đưa ra những quyết định mua sắm cẩn trọng hơn. Theo đó, 89% người tiêu dùng tìm kiếm mức giá thấp hơn, 72% giảm tổng chi tiêu.
Ở Việt Nam, theo NielsenIQ, 36% người tiêu dùng lo ngại về tình hình suy thoái kinh tế và 25% lo ngại về việc mất an ninh, mất việc làm. Họ cũng cảm nhận được tác động của lạm phát thông qua việc tăng giá bán hàng hóa. Người trẻ (18-25 tuổi) cải thiện tình hình tài chính bằng cách tăng thu nhập và chi tiêu tiết kiệm hơn, nhóm người lớn tuổi (46-55 tuổi) có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết. 62% người tiêu dùng Việt Nam cũng lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn.
“Duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ là một thách thức vào năm 2024”, bà Đặng Thúy Hà nhấn mạnh.
Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao cũng khiến việc bán hàng của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngay cả các nhãn hiệu lớn cũng gặp khó khăn trong việc tăng trưởng. Theo Worldpanel Division, trung bình thị phần của top 5 nhãn hiệu lớn nhất trong mỗi ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đều giảm ở cả khu vực thành thị (từ 72% năm 2019 xuống còn 67% năm 2024) và nông thôn (từ 77% năm 2019 xuống còn 65% năm 2024).
“Bên cạnh việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu thì thị trường có rất nhiều sản phẩm mới được tung ra, cùng với sự năng động của các nhãn hiệu nhỏ khiến người mua có nhiều sự lựa chọn hơn, ảnh hưởng tới thị phần của các nhãn hiệu lớn. Các thương hiệu lớn và nhỏ giờ đây có cơ hội ngang nhau. Những ai từng tự tin rằng tôi bán rất tốt ở thành thị hay ở nông thôn thì trong tương lai gần sẽ không còn nữa”, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối Kinh doanh Kantar Việt Nam, nhận định.
Cũng theo vị này, những nỗ lực trong truyền thông và mở cửa hàng của các nhà bán lẻ chủ chốt sẽ dễ dàng tiếp cận người mua hàng hơn. Tuy nhiên, việc thu hút và giữ chân người mua hàng, duy trì mức độ trung thành của người mua hàng vẫn là thử thách vô cùng lớn.
“Khảo sát của Kantar cũng cho thấy người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm nhưng lại mua nhiều kênh hơn, với mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm cũng tăng lên. Vì vậy, việc thương hiệu có thể gặp được khách hàng của mình sẽ lâu hơn và khó hơn. Điều này khiến việc thu hút và xây dựng lòng trung thành của khách hàng trở nên thách thức hơn”, bà Nga cho biết.