Nông sản Việt tìm đường sang thị trường Mỹ: Sản lượng tăng, giá trị vẫn chưa xứng với tiềm năng
Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 68,1 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 8,58 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, với các mặt hàng chủ lực như gỗ, thủy sản, hạt điều…
Hoa Kỳ cũng đang rất quan tâm đến công tác mở cửa cho nhiều nông sản của Việt Nam hơn nữa. Tại buổi làm việc giữa phái đoàn thương mại nông nghiệp hơn 100 người đại diện cho các hiệp hội và doanh nghiệp nông nghiệp của Hoa Kỳ do bà Alexis Taylor, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dẫn đầu phái đoàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vào ngày 12/9 mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam rất coi trọng việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản và đã đạt nhiều tiến bộ, như Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu dừa tươi và bưởi chùm vào năm 2023. Việt Nam cũng mở cửa cho bưởi chùm, đào, và xuân đào từ Hoa Kỳ vào tháng 7. Các cơ quan của Bộ đang hoàn tất thủ tục để mở cửa thêm các sản phẩm như cam, quýt, và chanh không hạt, và xuất khẩu mận sang thị trường này.
Tại buổi làm việc, phía Việt Nam cũng mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ trong việc cải thiện quy trình kiểm dịch và đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo điều kiện cho nông sản Việt tiếp cận thị trường.
Xuất thô còn nhiều, giá trị chưa cao
Dù năng lực xuất khẩu ngày càng được nâng cao và xuất hiện trên nhiều thị trường quốc tế, thế nhưng việc chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô khiến giá trị nhiều mặt hàng chưa xứng với tiềm năng của nông sản Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Doanhnhanvn, một nông dân với hàng chục ha trồng sầu riêng, hạt điều,... tại tỉnh Gia Lai chia sẻ rằng, từ năm 2023 đến nay, các loại nông sản đã được tiêu thụ dễ hơn, sầu riêng loại 1 được thương lái đến mua tại vườn với mức giá khá cao. Các loại hạt như mắc - ca, hạt điều cũng cao hơn cùng kỳ khoảng 5 - 10%. “Tuy nhiên , giá bán thô còn khá thấp so với công chăm sóc. Công chăm cây điều cũng gần vất như sầu riêng, phải canh thời tiết, mưa nắng thất thường, khâu thu hoạch cũng mất nhiều công, thế nhưng giá lại không được như sầu riêng”, người này nói.
Tại hội thảo "Các quy định của Hoa Kỳ trong ngành thực phẩm” được tổ chức mới đây, bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), cho biết nguồn nguyên liệu nông sản của Việt Nam thường được các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhập khẩu hoặc thông qua bên thứ 3 để chế biến và tung ra thị trường dưới tên thương hiệu của họ. Do đó, giá trị mà các nhà sản xuất nông sản và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thu về vẫn chưa cao. Cụ thể, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, đóng bao lớn và không nhãn mác. Từ đó, doanh nghiệp các nước nhập khẩu về rồi chế biến sâu, hoặc đóng nhãn mác của các nước này.
“Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vẫn là một bài toán lớn đối với nhiều doanh nghiệp và cả ngành lương thực thực phẩm Việt Nam,” bà Quyên chia sẻ.
Chia sẻ với Báo Công Thương hồi đầu năm, bà Phan Thị Mỹ Yến, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt, chia sẻ rằng, qua khảo sát các siêu thị tại Hoa Kỳ cho thấy, nhu cầu các loại nông sản của Việt Nam tại đây rất lớn nhưng đa số đều được tiêu thụ dưới thương hiệu của nước ngoài. Nguyên nhân do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, đóng bao lớn và không nhãn mác. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhập khẩu về rồi chế biến sâu, hoặc đóng nhãn mác của họ. Đây là vấn đề trăn trở của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và những người làm thương hiệu tại Việt Nam.
Doanh nghiệp cần nắm chắc Đạo luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm, chuyển từ cơ chế “phản ứng” sang “phòng ngừa”
Tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là rất lớn, tuy nhiên, để chinh phục thị trường này, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần nắm vững các quy định và thường xuyên cập nhật thông tin, yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Đào tạo và Chứng nhận mảng phát triển bền vững của Công ty TNHH Tuv Nord Vietnam, cho biết mỗi năm, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng tỷ tấn thực phẩm từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 15% tổng lượng thực phẩm tiêu thụ trong nước.
Để kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành Đạo luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA), nhằm chuyển đổi từ cơ chế phản ứng với các sự cố an toàn thực phẩm sang cơ chế phòng ngừa.
FSMA không chỉ tác động đến các nhà phân phối và sản phẩm thực phẩm tại Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ sở có nhu cầu xuất khẩu vào thị trường này.
Vị này cũng cho biết thêm, một trong những chương trình quan trọng nhất của FSMA là Chương trình Xác minh Nhà cung cấp Nước ngoài (FSVP), yêu cầu các nhà nhập khẩu phải thực hiện các bước xác minh cần thiết, sau đó đánh giá sự tuân thủ của các nhà cung cấp nước ngoài theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ.
Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thực phẩm vào Hoa Kỳ cần chủ động xây dựng cơ chế kiểm soát chất lượng thông qua các bước như: phân tích mối nguy, kiểm soát quá trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn, kiểm soát chất gây dị ứng, và thực hiện chương trình chuỗi cung ứng an toàn.
“Mặc dù Luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA) của Hoa Kỳ đã được ban hành từ năm 2011 và có hiệu lực từ năm 2017-2020 (tùy theo loại hình doanh nghiệp), nhưng luật này vẫn thường xuyên được điều chỉnh và bổ sung. Vì vậy, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật những thay đổi để đáp ứng tốt các yêu cầu từ phía khách hàng, đồng thời phòng ngừa các rủi ro về thu hồi hay tiêu hủy sản phẩm,” ông Đặng Bùi Khuê nhấn mạnh.
Trong các cuộc họp báo, hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, Việt Nam xác định thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản ra thế giới hiện nay là một trong những định hướng chính, trong đó Hoa Kỳ là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, đại diện Bộ cũng nhận định đây là một thị trường có sức tiêu thụ lớn thế nhưng vẫn đầy thách thức, để doanh nghiệp Việt có thể chinh phục được thị trường này không phải là điều dễ dàng.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để xuất khẩu nông sản bền vững, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã vùng trồng, mã đóng gói, và các hoạt động sơ chế, chế biến cùng với chiến lược xúc tiến thương mại. “Xuất khẩu càng nhiều, chất lượng càng phải được đảm bảo, thương hiệu cũng cần được xây dựng vững chắc.” Thứ trưởng nhấn mạnh.