Nova Consumer chuẩn bị IPO, mở rộng mục tiêu phát triển chuỗi thực phẩm
CTCP Tập đoàn Nova Consumer vừa công bố thông tin về kế hoạch chào bán 10,9 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với giá tối thiểu 43.462 đồng/cp. Mỗi nhà đầu tư đăng ký mua tối thiểu 1.000 cổ phiếu và tối đa 5,4 triệu cp.
Thời gian đặt mua và nhận tiền cọc từ ngày 7/2 đến ngày 28/2 với số tiền đặt cọc chiếm 10% tổng giá trị cổ phiếu đặt mua, được tính theo giá chào bán tối thiểu. Thông báo kết quả đặt mua cổ phiếu sẽ được công bố vào ngày 4/3/2022.
Với số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán hơn 473,7 tỷ đồng, Nova Consumer sẽ sử dụng để phát triển chuỗi thực phẩm và bổ sung vốn lưu động. Trong đó, doanh nghiệp có kế hoạch mua lại phần vốn góp của CTCP Đầu tư Tiêu dùng tại Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc với số tiền dự kiến 430 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Nova Consumer dự kiến góp thêm vốn mới gần 35 tỷ đồng vào Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc. Phần vốn còn lại doanh nghiệp sẽ bổ sung vốn lưu động. Việc phân bổ vốn dự kiến được thực hiện trong hai quý đầu năm 2022.
Theo chia sẻ từ Nova Consumer, công ty định hướng chiến lược phát triển chuỗi và quy trình sản xuất thực phẩm an toàn bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi, tới quá trình nuôi ở các trang trại và đến khâu chế biến thực phẩm, thông qua mô hình 3F (Feed - Farm - Food).
Hiện các hoạt động sản xuất của Nova Consumer xoay quanh sức khỏe vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và trang trại. Điều này có nghĩa Nova Consumer đã sở hữu 2F nên việc xây dựng chuỗi 3F là một điều tất yếu để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, giúp cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tránh chênh lệch giá từ các phân khúc sản xuất và kinh doanh.
Giai đoạn 2019-2020, sức khỏe vật nuôi và thức ăn chăn nuôi là hai mảng chính đóng góp vào doanh thu của Nova Consumer.
Ở mảng sức khỏe vật nuôi, từ năm 1992 đến nay, Nova Consumer có 4 công ty con và 2 công ty liên kết, chiếm hơn 30% thị phần kinh doanh mảng thuốc thú y của cả nước với doanh thu đạt 58 triệu USD.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe vật nuôi bao gồm: Thành Nhơn, Anova Pharma, Anova JV, Bio-Pharmachemie (hoạt động trong lĩnh vực thuốc thú y); Anova Biotech và Vetvaco (hoạt động trong lĩnh vực vắc xin).
Đây cũng là mảng mang lại hiệu quả cao nhất cho Nova Consumer khi chiếm hơn 47,5% lãi gộp trong năm 2019 và 44,1% trong 2020.
Đối với mảng thức ăn chăn nuôi, từ năm 2012 đến nay, doanh thu Nova Consumer tăng trưởng mạnh và đạt 75 triệu USD. Tính đến nay, Nova Consumer sở hữu 7 trang trại heo, bò, gà ở các tỉnh Việt Nam, thông qua các đơn vị thành viên như CTCP Anova Feed, CTCP Anova Farm và CTCP Anova Agri Bình Dương.
Với diễn biến dịch ASF diễn biến phức tạp, trong năm 2020, lãi gộp ở mảng này của Nova Consumer giảm 11% so với cùng kỳ, đóng góp 49,5% trong năm 2019 và 37,7% trong năm 2020.
Trong ba năm tới, Nova Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 50% trong lĩnh vực thuốc thú y, tiếp cận thêm thị trường xuất khẩu để tăng cơ cấu doanh số thị trường xuất khẩu lên 30% tổng doanh số.
Ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, Nova Consumer đặt mục tiêu cung cấp cho thị trường 1 triệu tấn thức ăn gia súc vào năm 2026 và trong lĩnh vực trang trại chăn nuôi, doanh nghiệp sẽ tăng quy mô đàn gấp 3 lần trong 5 năm tới.