Nữ doanh nhân Warren Buffett hết lời khen ngợi: Đến CEO nhóm Fortune 500 cũng khó bì kịp

Yên Khê 16:46 | 12/01/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Huyền thoại Warren Buffett hiếm khi khen ngợi ai, nhưng một khi ông lên tiếng thì người đó hẳn phải rất tài giỏi.

Huyền thoại Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway, trò chuyện cùng

Hành trình phi thường

Rose Blumkin vốn là một huyền thoại bán lẻ nhưng nữ doanh nhân càng trở nên nổi tiếng hơn khi Warren Buffett khen ngợi bà là hình mẫu mà các nhà quản lý doanh nghiệp đầy tham vọng trên khắp thế giới nên noi theo.

Chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway gọi Blumkin là “một người phụ nữ phi thường”. Bà sinh ngày 3/12/1893 tại một ngôi làng Nga gần thủ đô Minsk của Belarus. Bà nhập cư vào Mỹ khi đang trong độ tuổi 20.

“Bà ấy không thể nói một từ tiếng Anh nào” khi đặt chân tới thành phố Omaha (bang Nebraska), Buffett chia sẻ với hãng tin CNBC vào năm 2019. Tuy nhiên, ở độ tuổi hơn 40, “Bà B” Blumkin đã biến khoản đầu tư khiêm tốn thành cửa hàng đồ nội thất gia đình lớn nhất nước Mỹ.

Theo lời kể của Buffett, Blumkin thành lập Nebraska Furniture Mart (NFN) tại tầng hầm cửa hiệu của chồng bà ở trung tâm thành phố Omaha vào năm 1937 với số vốn 500 USD.

Trong hơn 4 thập kỷ tiếp theo, bà đã biến NFM thành một gã khổng lồ bán lẻ nội thất, thu hút sự chú ý của Buffett. Năm 1983, ông mua lại NFM với giá 60 triệu USD và biến nó thành một phần của Berkshire Hathaway.

Buffett tiết lộ giao dịch được hoàn tất chỉ bằng một cái bắt tay đơn giản. “Chúng tôi không kiểm toán báo cáo tài chính. Chúng tôi không xem hồ sơ tài sản. Tôi chỉ hỏi, “Bà B, bà có nợ tiền không?’ và bà ấy nói ‘không’. Thế là xong”.

Sau khi bán NFM, Blumkin vẫn tiếp tục làm việc tại đó. Nhưng theo cáo phó của bà trên tờ New York Times, Blumkin đã nghỉ việc 6 năm sau đó khi bà bước sang tuổi 95 và cảm thấy bị cô lập khi các cháu của bà tham gia sâu hơn vào công việc kinh doanh.

Về sau, bà mở một cửa hàng đối thủ bên kia đường, đối diện NFM. Cửa hàng mới có tên Mrs. B’s Clearance and Factory Outlet.

New York Times cho biết rạn nứt trong gia đình Blumkin sau đó đã được hàn gắn và tập đoàn của Warren Buffett mua lại Outlet vào năm 1992. Huyền thoại đầu tư từng nói đùa rằng thật sai lầm khi để Blumkin rời đi mà không ký thoả thuận không cạnh tranh.

Cuối cùng, bà Blumkin nghỉ hưu khi bước sang tuổi 103. “Đó là một thước đo mà chúng tôi đang sử dụng để đánh giá tuổi nghỉ hưu”, Buffett nói đùa. “Bà B” Blumkin qua đời vào năm 1998 ở tuổi 104.

“Tiếp thu những bài học của Bà B”

Trong suốt nhiều năm, Buffett - một trong những nhà đầu tư thành công nhất lịch sử - vẫn luôn nhắc đến Blumkin như một hình mẫu mà những người khác nên cố gắng noi theo.

Trong một lá gửi cổ đông của Berkshire Hathaway vào năm 2013, Buffett viết: “Những nhà quản lý doanh nghiệp đầy tham vọng nên nhìn vào những phẩm chất giản dị nhưng hiếm có đã tạo nên thành công đáng kinh ngạc của Bà B.

Sinh viên từ 40 trường đại học đến gặp tôi hàng năm và tôi luôn yêu cầu họ bắt đầu ngày mới bằng chuyến thăm NFM. Nếu họ có thể tiếp thu những bài học của Bà B, họ chẳng cần thêm thứ gì từ tôi”.

Blumkin “chưa đi học một ngày nào trong đời”, Buffett nói với sự kính nể. “Và khi gia đình bà ngồi xuống ăn tối, họ hát ‘God Bless America” trước khi ăn. Đó là một câu chuyện thú vị”.

Theo New York Times, không lâu sau khi mua lại NFM, Buffett chia sẻ vào năm 1984 như sau: “Đặt bà ấy cạnh những sinh viên tốt nghiệp top đầu tại các trường kinh doanh hàng đầu hoặc giám đốc điều hành của doanh nghiệp thuộc nhóm Fortune 500 và giả sử họ có cùng nguồn lực, bà ấy sẽ bỏ xa họ”.

Đó là lời khen ngợi hiếm có từ người đàn ông giàu thứ 10 thế giới với khối tài sản ròng 138 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Trong những năm qua, Nebraska Furniture Mart vẫn tiếp tục phát triển và mở thêm cửa hàng mới tại Iowa, Kansas và Texas. Cơ sở tại Texas khai trương vào năm 2015 với tổng diện tích gần 17 ha. Theo lời Buffett, đây là cửa hàng đồ nội thất gia đình nằm trong cùng một toà nhà lớn nhất thế giới.

Nebraska Furniture Mart cũng mở rộng danh mục kinh doanh. Ngày nay, cửa hàng còn bán thêm thiết bị điện tử và đồ gia dụng.