Nữ sinh viên bị mất 837 triệu sau cuộc gọi của người tự xưng là CSGT
Ngày 16/6, Công An quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho biết vừa thụ lý, chuyển hổ sơ sang công an TP. Đà Nẵng để điều tra vụ án điều tra vụ việc lừa đảo qua điện thoại.
Theo thông tin trước đó vào 9h ngày 8/6, Nguyễn T.N.Y. (SN 1997, sinh viên tạm trú tại khu Ký túc xá phía Tây, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) nhận được cuộc từ người đàn ông xưng danh là CSGT, thông báo chị Y. vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Thủ đoạn mạo danh công an lừa đảo không còn mới lạ tuy nhiên vẫn nhiều nạn nhân mắc bẫy
Liền lúc đó Chị Y. hoang mang thì nhận được cuộc gọi khác từ số máy 8832363822300, tự xưng là điều tra viên Công an TP.Đà Nẵng, yêu cầu chị giải trình về tài sản, nguồn gốc tiền bạc trong tài khoản.
Bị dọa khởi tố, bắt giam, chị Y. sợ hãi làm theo hướng dẫn, đăng nhập thông tin tài khoản vào một đường link, cùng nội dung TCB HUI SMART OTP gửi đến số 8049.
Sau đó, 837 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị Y. bị chuyển sang số tài khoản 0000474655418 mang tên Nguyễn Tấn Cường. Lúc này, chị Y. mới tá hỏa, liền trình báo với cơ quan Công an.
Hiện công an đang điều tra làm rõ vụ việc.
Theo Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, thời gian qua xuất hiện tình trạng lừa đảo qua điện thoại với hình thức dọa phạt nguội. Do đó người dân cần cảnh giác vì lực lượng CSGT tuyệt đối không liên hệ để giải quyết vi phạm qua điện thoại, tất cả thủ tục đều có thông báo gửi cho người vi phạm, người dân cũng có thể tự tra cứu phương tiện vi phạm hành chính qua phạt nguội tại đường link https://vpgtcatp.danang.gov.vn.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp kẻ mạo danh công an lừa đảo qua điện thoại.
Mới đây vào ngày 20/3 Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết đang phối hợp cùng các đơn vị chức năng điều tra vụ lừa đảo xảy ra trên địa bàn qua hình thức gọi điện thoại, giả danh công an. Theo điều tra ban đầu, chiều 19/3, bà T. (ở quận Hoàng Mai) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 88223638768.
Người này giới thiệu là nhân viên bưu điện, nói bà T. có 1 thư bảo mật, hỏi có cần xem trước nội dung không. Bà này đồng ý thì bên kia thông báo rằng bà có mở một thẻ ngân hàng chi nhánh Đà Nẵng, hiện nợ hơn 38 triệu đồng.
Bà T. trả lời mình không mở tài khoản nào như vậy. Sau đó, người này hỏi bà có muốn "báo án" hay không và yêu cầu bà giữ máy. Vài phút sau, giọng nam giới thiệu là trung úy Nguyễn Hùng Sơn, đang công tác tại Công an thành phố Đà Nẵng...
Người tự xưng là "trung úy Sơn" nói bà T. liên quan đến tội phạm rửa tiền quốc gia, yêu cầu bà kết bạn với tài khoản Zalo tên là Nguyễn Hùng Sơn. Ngay sau đó, "trung úy Sơn" còn gửi một lệnh bắt tạm giam đến bà T..
Nhận thấy nạn nhân hoảng loạn đến mất tỉnh táo, người này yêu cầu bà T. cung cấp số tài khoản ngân hàng và mật khẩu tài khoản Internet Banking để phối hợp điều tra. Đối tượng gửi tin nhắn Zalo cho bà 5 hình ảnh mã QR code, yêu cầu đăng nhập. Làm theo hướng dẫn của "trung úy Sơn", bà này kiểm tra tài khoản, phát hiện tổng số tiền 620 triệu đồng đã bị rút hết.
Khi bà hỏi lại, đối tượng nói là đang phong tỏa tiền để… quốc gia giữ hộ. Sáng hôm sau (20/3), "trung úy Sơn" tiếp tục sử dụng tài khoản Zalo liên lạc, yêu cầu bà rút nốt số tiền 200 triệu đồng từ sổ tiết kiệm ngân hàng. Lúc này, nạn nhân mới bừng tỉnh biết bị lừa đảo và đến công an trình báo.
Xem thêm: Nữ giám đốc thành lập `công ty ma` lừa đảo chiếm đoạt 44 tỷ đồng
Nguyễn Dung