‘Nút thắt cuối cùng’ trong chuỗi chuyển đổi số là hợp đồng điện tử

Trang Mai 15:35 | 15/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong chuỗi chuyển đổi số, việc hợp đồng điện tử ra đời và ứng dụng rộng rãi đã trở thành giải pháp tối ưu thay thế hợp đồng giấy truyền thống, mở ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh và quản lý. Tuy nhiên, việc áp dụng hợp đồng điện tử cũng có một số rủi ro tiềm ẩn như việc bảo mật thông tin, nguy cơ về gian lận cũng như tính pháp lý khi chuyển đổi từ hợp đồng truyền thống.

Tại Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 15/10, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động không ngừng, khả năng linh hoạt và sẵn sàng chuyển đổi là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương. Ảnh: BTC

Thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Quá trình này không chỉ mở ra cơ hội lớn mà còn thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và đạt những bước tiến quan trọng.

Trong đó, hợp đồng là hình thức thể hiện cơ bản của các mối quan hệ dân sự và thương mại, là khởi đầu của các quy trình giao dịch trong đời sống xã hội và hoạt động kinh tế. Do vậy, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử cũng là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử.

Đến nay đã có 11 Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) đã được xác nhận đăng ký để triển khai cung cấp dịch vụ này. Vai trò của các tổ chức này nhằm đảm bảo về mặt kỹ thuật để quá trình ký kết hợp đồng/giao kết điện tử trên môi trường trực tuyến được diễn ra an toàn. Tính đến hết tháng 8, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai chữ ký số và hợp đồng điện tử tại Việt Nam, ông Đỗ Quang Yên, Giám đốc Trung tâm Giải pháp C-SUITE CMC TS, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC cho biết, chuyển đổi số là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Hợp đồng điện tử đóng vai trò 'nút thắt cuối cùng' trong chuỗi chuyển đổi số, đảm bảo sự minh bạch và tự động hóa giữa các bên tham gia, từ khách hàng, đối tác đến quản lý nội bộ”, ông Yên nói.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp tham gia đều đồng thuận rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp đồng điện tử để giải quyết những khó khăn thực tế. Các vấn đề như chi phí cao, thủ tục phức tạp, và sự chấp nhận hạn chế từ các bên thứ ba (cơ quan thuế, ngân hàng…) vẫn là rào cản đáng kể.

Theo ông Đỗ Kế Công, Giám đốc Trung tâm chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT, có những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng hợp đồng điện tử như chi phí, thủ tục phức tạp và thiếu sự chấp nhận từ các bên thứ ba (như cơ quan thuế, kho bạc)... 

Còn theo bà Oanh, việc áp dụng hợp đồng điện tử có một số rủi ro tiềm ẩn. Đơn cử như việc bảo mật thông tin, nguy cơ về gian lận, bảo toàn tính toàn vẹn của hợp đồng hay việc mất mát dữ liệu… do vậy các bên giao kết hợp đồng có thể đối mặt với hậu quả nghiêm trọng như: lừa đảo, tổn thất tài chính, tổn hại uy tín…

Ngoài ra có thể rủi ro về mặt pháp lý khi sử dụng hợp đồng điện tử, không an toàn và hợp đồng điện tử cần tuân thủ các quy định của pháp luật như: giao dịch điện tử, an toàn thông tin. Nếu hợp đồng điện tử không đáp ứng các tiêu chuẩn này có thể dẫn đến hợp đồng giữa các bên không được công nhận về mặt pháp lý.

“Thời gian tới Bộ sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, các chính sách liên quan đến hợp đồng điện tử, bổ sung các chính sách liên quan đến giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, việc chuyển đổi hợp đồng từ bản giấy sang điện tử và ngược lại, bởi hiện nay theo quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về cách thức, điều kiện của hệ thống thông tin chuyển đổi từ bản giấy sang điện tử và ngược lại.” bà Oanh nói.

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật để hợp đồng điện tử có thể được chấp nhận bởi bên thứ ba cũng như tăng cường sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn thúc đẩy sự minh bạch, an toàn trong các giao dịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số.