Ổn định chính sách vĩ mô để kinh tế Việt Nam bứt phá
21:16 | 12/03/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Năm 2018 là năm thành công toàn diện của Kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt được và đạt mục tiêu đề ra. Nhiều kỷ lục mới đã được xác lập. Những thành quả này, là nền tảng, cũng là áp lực không nhỏ cho những kế hoạch hành động của năm 2019.
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên - năm 2019 với chủ đề "Bứt phá từ những động lực tăng trưởng" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức vào sáng 12/3.
Tại hội thảo, nhìn nhận về kinh tế Việt Nam trong trong thời gian tới, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nhiều lĩnh vực có mức độ tăng trưởng cao trong 2018 sẽ khó duy trì trong năm nay như công nghiệp chế biến, giá trị sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp,…nhất là những điểm nghẽn về thể chế như đầu tư công, BT, BOT… chưa được tháo gỡ. Một yếu tố cần quan tâm là đầu tư công giảm dần nên vai trò tác động lan toả của lĩnh vực này như những năm trước sẽ giảm dần. Bên cạnh đó, trong nhiều năm tới, bài toán vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam vẫn là chất lượng tăng trưởng gắn với đổi mới thể chế cùng với diễn biến phức tạp của kinh tế và thương mại toàn cầu. Do đó, sự điều hành chính sách kinh tế-tài chính của Chính phủ vẫn phải thực hiện “mục tiêu kép” cả chất lượng và tốc độ tăng trưởng.
Đặc biệt, trong 2 năm 2019 và 2020, TS. Trần Du Lịch cho rằng, có nhiều triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng 6,9%/năm, và bình quân cả 5 năm 2016-2020 tăng 6,75%/năm (so với mục tiêu kế hoạch bình quân 6,5-7%/năm).
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận trong thời gian qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tạo cho Việt Nam một vị thế mới nhưng vẫn cần giải pháp đòn bẩy trong thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cũng như phát triển bền vững; trong đó, chú trọng tiếp cận với các tiêu chuẩn, chuẩn mực và thông lệ quốc tế với lộ trình cụ thể và cam kết từ những đơn vị liên quan.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, mặt tích cực của các FTA là thu hút đầu tư, kết nối giao thương, mở cửa thị trường, cải thiện năng suất lao động… thúc đẩy tăng nội lực lớn cho nền kinh tế nội địa. Đồng thời, nâng cao vị thế của Việt Nam trên nền kinh tế toàn cầu, từng bước được cộng đồng quốc tế công nhận trong vai trò đối tác kinh tế - chính trị quan trọng của nhiều quốc gia và khu vực. Từ đó, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dù có nhiều thuận lợi nhưng Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, hiện tại Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng đề án đổi mới định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cửa ngõ giao thương… nhằm tạo sự đồng bộ. Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nguồn nhân lực… để tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia thị trường thương mại tự do hiệu quả hơn.
Còn theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, đất nước đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng chưa từng có trong lịch sử. Đây là những cơ hội rất lớn để trở nên phát triển hơn. Tuy nhiên, việc tận dụng các cơ hội không phải là điều đơn giản và các cơ hội đã biến thành thách thức. Với dư địa cho tăng trưởng sẵn có không còn và nội lực chưa được phát huy, thách thức phía trước với Việt Nam trên con đường hội nhập là rất lớn.
“Nhà nước chỉ nên tập trung ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo sân chơi bình đẳng thay vì có sự tham gia một cách chủ động như thời gian qua”, TS. Huỳnh Thế Du nói và đánh giá, nếu nhìn ngắn hạn, tiềm ẩn rủi ro lớn nhất trong năm 2019 với kinh tế Việt Nam là các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước.
“Nền kinh tế Việt Nam thực ra rất mong manh, chỉ cần một hoặc một vài doanh nghiệp lớn nào đó gặp trục trặc là cả nền kinh tế gặp vấn đề. Do vậy, một trong những việc hết sức quan trọng là các cơ quan giám sát phải để mắt rất kỹ đến các doanh nghiệp này. Chính sách và quản lý vĩ mô cần phải đảm bảo sao cho các rủi ro đừng xảy ra song song với việc tạo dựng môi trường kinh doanh tốt hơn”, TS Huỳnh Thế Du chia sẻ.
Với những thuận lợi về kinh tế, vị thế chính trị, Việt Nam có thể coi là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện một loạt các nội dung liên quan như hoàn thiện thể chế, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… để đẩy nhanh khả năng tận dụng cơ hội đột phá phát triển kinh tế đất nước; đồng thời, tốc độ chuyển động và thay đổi của cơ chế chính sách nói chung, lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng nói riêng cần phù hợp với diễn biến của thị trường.