Ông chủ Phạm Văn Tam của Asanzo giờ chuyển sang kinh doanh cái gì?

11:11 | 15/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ vai trò được biết đén là người sản xuất Asanzo, ông Phạm Văn Tam đang muốn trở thành một người chuyên đi đầu tư của Winsan.

Từ Asanzo tới Winsan

Sau 1 năm xảy ra vụ bê bối Asanzo, ông chủ Phạm Văn Tam đang "lên dây cót" cho Tập đoàn đầu tư Winsan trong vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị, thay vì chỉ đóng khung ở nhà sản xuất hay ông chủ hãng TV Việt.

"Từ trước đến nay, tôi phụ thuộc vào Asanzo nhiều quá. Do đó tôi muốn phát triển dự án mới, với vị trí mới, để kêu gọi khởi nghiệp theo cách hoàn toàn mới", ông Tam nói với VTC News. 

Ông chủ Phạm Văn Tam của Asanzo giờ chuyển sang kinh doanh cái gì? - ảnh 1

Ông Phạm Văn Tam, nay là Chủ tịch Winsan.

Winsan được giới thiệu là mang hơi hướng như một công ty quản lý Quỹ, chuyên trách thực hiện việc quản lý các quỹ đầu tư. Thông qua việc đầu tư theo danh mục để làm gia tăng giá trị của quỹ đầu tư. 

Ông Tam sẽ cùng các cộng sự mua lại những công ty đã lên sàn chứng khoán, hoặc những công ty làm ăn chưa ổn định để phát triển lại. Từ vài trò được biết đến là người sản xuất Asanzo, ông Tam trở thành một người chuyên đi đầu tư. 

Theo nguồn tin này, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, theo ông Tam, Tập đoàn đầu tư Winsan sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ - điện tử, thực phẩm tiêu dùng, nha khoa, bất động sản, công nghiệp... Đối với những dự án ngoài ngành, ông Tam sẽ là người trực tiếp theo dõi, giám sát và quản lý. 

Điểm khác biệt giữa mô hình của Winsan và các công ty quản lý Quỹ là không chỉ cho vay, quan tâm có hiệu quả hay không để rót vốn đầu tư, mà Winsan sẽ sát sao, định hướng cho cách khởi nghiệp những dự án này. 

Theo ông Tam, bản chất Asanzo sau này chỉ là một nhãn hàng, không phải là một tập đoàn đa ngành. Còn Winsan không phải tên một nhãn hàng mà là tên của một tổ chức quản lý. Winsan sẽ quản lý Asanzo. Đây là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau. 

Sắp tới, Winsan sẽ bắt tay vào đầu tư 2 mô hình là nha khoa và thực phẩm. Ông Tam tin tưởng, đây là những mô hình tập đoàn rất phát triển. 

Triết lý đầu tư của "ông Tam Winsan"

Theo ông Phạm Văn Tam, Winsan sẽ nhắm đến những doanh nghiệp có hoàn cảnh tương đồng với Asanzo khi khởi nghiệp. Đó là những doanh nghiệp có năng lực chuyên môn, tiềm năng phát triển, tuy nhiên chiến lược kinh doanh không rõ ràng và cần một nhà đầu tư am hiểu.

Quản trị doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. Chủ doanh nghiệp có thể gặp nhiều rủi ro, không thể phát triển. Đây là bài học được đúc rút từ chính những vấn đề Asanzo đã trải qua. Winsan với kinh nghiệm với quản trị, định hướng marketing và nhất là vốn sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của các startup.

Phát biểu trên VnExpress, ông Tam cho hay: "Điều đầu tiên tôi đã làm là thay đổi bản thân, không bảo thủ mà lắng nghe những người có chuyên môn. Ví dụ như về luật pháp, pháp chế, chuyên gia ở từng lĩnh vực, hay marketing, đội ngũ thị trường. Hiện nay tôi có một đội ngũ luật sư, am hiểu luật để tư vấn cho mình.

Bên cạnh đó, cách quản trị doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi. Trước đây tôi thường giải quyết công việc qua điện thoại, tuy nhiên, mọi thứ hiện tại đều phải thể hiện qua văn bản. Tôi vừa ký hợp tác với một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam để chuyển đổi số toàn bộ quy trình doanh nghiệp.

Ngoài ra, Winsan thành lập thêm nhiều đội ngũ chuyên môn để tư vấn, hỗ trợ thay vì tôi tự quyết mọi thứ như trước đây".

Còn về câu hỏi có gì sẽ không thay đổi, ông Tam cho rằng, đó là hình ảnh của một Phạm Văn Tam rất dân dã, bình dị trong mắt khách hàng, đối tác. Theo vị CEO này, điều đó sẽ luôn là con người của ông dù là Chủ tịch Asanzo hay Chủ tịch Winsan, là nhà đầu tư.

Đội ngũ nhân sự của ông Tam không thay đổi, doanh nhân này không sa thải một người nào. Ông Tam khuyến khích đội ngũ nhân viên trau dồi kiến thức để bắt kịp với thời đại, với sự phát triển của công ty.

"Tôi luôn tâm niệm rằng mình phải sống trước sau như một, dù có chuyện gì xảy ra. Giai đoạn đó, cũng có không ít người quay lưng. Nhưng khi mọi chuyện ổn định trở lại, tôi vẫn đối xử tốt với họ, thậm chí tốt hơn cả trước đây", vị này nói.
 

Những bê bối của Asanzo

Trước đó, tháng 6/2019, thông tin Tập đoàn đoàn Asanzo của CEO Tam vướng vào nghi vấn dán mác "xuất xứ Việt Nam" lên các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc đã khiến dư luận vô cùng ngỡ ngàng. Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sau đó đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo.

Thế nhưng, sau hơn 1 năm làm việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) gần đây đã công bố rằng việc gắn mác "sản xuất tại Việt Nam" đối với hàng hoá mang nhãn hiệu Asanzo là phù hợp quy định và chưa có căn cứ xác định doanh nghiệp này "lừa dối khách hàng". Trong thời gian hoạt động (từ 2014-2016), CTCP Tập đoàn Asanzo của ông Phạm Văn Tam còn có nhiều sai phạm về thuế.

Ngày 16/1/2017, Chi cục Thuế Bình Tân đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo với hàng loạt vi phạm như: Vi phạm thủ tục về thuế; Khai sai dẫn tới thiếu số tiền nộp thuế; Chậm nộp thuế; Truy thu thuế… với tổng số tiền lên tới hơn 250 triệu đồng.

Ngày 7/3/2017, Chi cục thuế Bình Tân tiếp tục ra quyết định xử phạt thêm doanh nghiệp này vì vi phạm hành chính về hóa đơn với số tiền là 6 triệu đồng do đã vi phạm nhiều lần và có tình tiết tăng nặng.

Đầu năm 2017, Chi cục Thuế Bình Tân là đơn vị quản lý trực tiếp và duy nhất thu thuế của Asanzo Việt Nam đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo cũng chỉ mới nộp tiền tạm ứng thuế mỗi công ty 20 triệu đồng, ngoài ra chưa thu được thêm được khoản nào...

Lệ Vỹ

Xem thêm: Bộ Tài chính rà soát hoạt động quản lý việc nhập khẩu của Asanzo