'Ông lớn' giấy Sài Gòn về tay người Nhật
Thông tin trên tạp chí Nikkei Asian Review của Nhật vừa cho biết, Saigon Paper là công ty sản xuất khăn giấy lớn nhất của Việt Nam. Doanh thu hằng năm của doanh nghiệp lên đến 100 triệu USD với công suất 40.000 tấn giấy tiêu dùng và 230.000 tấn giấy công nghiệp. Nhu cầu cho sản phẩm giấy bìa carton ở Việt Nam đang tăng hơn 10 lần trong thập kỷ qua, một phần nhờ sự gia tăng mua sắm trực tuyến và chuyển dịch sản xuất hàng dệt, điện tử từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Từ một cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, Saigon Paper được thành lập vào năm 1997 và nhanh chóng phát triển thành doanh nghiệp sản xuất giấy tiêu dùng, giấy công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đến năm 2007, giai đoạn ngành giấy phát triển mạnh mẽ, công ty đã mở rộng và có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư vào nhà máy với kỳ vọng lớn. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính sau đó đã khiến không ít nhà đầu tư phải rút vốn lại.
Đỉnh điểm là đến năm 2011, nhà đầu tư lớn đến từ Nhật là Tập đoàn Daio cũng rút toàn bộ vốn khỏi dự án. Lúc này, công ty đã sở hữu các dây chuyền sản xuất hiện đại với tổng công suất 273.000 tấn/năm, nắm 18% thị phần sản xuất giấy trong nước. Siagon Paper rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Cũng tại thời điểm này, Công ty cổ phần đầu tư U&I của Việt Nam do ông Mai Hữu Tín làm chủ tịch đã chi 400 tỉ đồng cứu Giấy Sài Sòn qua cơn khủng hoảng tài chính.
Đến năm 2016, doanh thu của công ty đạt 2.400 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2015. Sang 2017, doanh thu tiếp tục tăng lên 3.300 tỉ đồng. Có thể nói, sau khi được chính nhà đầu tư trong nước “giải cứu”, thương hiệu Saigon Paper có thể đĩnh đạc cạnh tranh với những doanh nghiệp giấy ngoại đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc. Thế nên, việc thay đổi chủ lần này cũng gây không ít bất ngờ.
Sản phẩm giấy vệ sinh của công ty hiện có 2 dòng cao cấp với nhãn hàng Bless You và dòng phổ thông nhãn hàng SaiGon.
Sojitz là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm, năm 1986. Hiện nhà đầu tư này đang đầu tư tại Việt Nam các lĩnh vực: điện, dầu khí, phân bón, hạ tầng khu công nghiệp, phân phối bột mì, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc… Chi hơn 91 triệu USD để mua lại Saigon Paper, Sojitz nhanh chóng bước chân vào thị trường sản xuất giấy Việt Nam đang có mức tăng trưởng nhanh, mạnh.
Từng "cứu" Saigon Paper, ông Mai Hữu Tín chính thức ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị, thay cho ông Cao Tiến Vị. Tuy nhiên, với thương vụ này, chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Mai Hữu Tín có thể được thay thế bằng người Nhật.