Ông Nguyễn Thanh Nam - Tổng giám đốc Transerco vừa trở thành đại biểu HĐND TP. Hà Nội là ai?
Ông Nguyễn Thanh Nam là ai?
Ông Nguyễn Thanh Nam sinh ngày 07/11/1977, quê ở thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Hiện nay, ông đang cư trú tại khu đô thị Vinhomes Greenbay, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Ông Nam được kết nạp vào Đảng từ ngày 10/10/2006. Về trình độ học vấn, ông nhận bằng Quản trị kinh doanh; Cử nhân Kinh tế đầu tư và có trình độ Cao cấp lý luận chính trị. Ông cũng thành thạo ngoại ngữ tiếng Anh ở trình độ C.
Chân dung ông Nguyễn Thanh Nam - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội.
Theo Quyết định số 5738/QĐ-UBND, UBND TP Hà Nội bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nam giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội với thời hạn nhiệm kỳ là 5 năm. Trước đó, ông đang giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội.
Như vậy, tới hiện tại, ông Nguyễn Thanh Nam giữ chức vụ Quản lý doanh nghiệp - Phó Bí thư Đảng ủy - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Tại đơn vị bầu cử huyện Phú Xuyên, ông Nguyễn Thanh Nam trúng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, trở thành một trong mười doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp có mặt trong HĐND TP. Hà Nội trong nhiệm kỳ mới này.
Theo chức vụ Tổng Giám đốc của mình, ông Nguyễn Thanh Nam được hưởng lương bậc 7,45 - Bảng Hệ số mức lương của Người quản lý công ty chuyên trách - Tổng Giám đốc Tổng công ty và tương đương.
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội của ông Nam làm ăn như thế nào?
Có tiền thân là công ty Vận tải và Dịch vụ công cộng Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội được UBND TP.Hà Nội thành lập năm 2001 dựa vào cơ sở hợp nhất nguyên trạng 4 công ty: công ty Xe du lịch Hà Nội, công ty Xe điện Hà Nội, công ty Xe buýt Hà Nội, công ty Vận tải hành khách Nam Hà Nội.
Hiện tổng công ty này quản lý 12 đơn vị phụ thuộc, 4 công ty con, và có 5 công ty liên kết với một số thương hiệu nổi tiếng quen thuộc như xe buýt 10-10, xe khách Thăng Long, Hanoibus, xe điện Hà Nội,… và đặc biệt nhất là xe buýt Hà Nội City Tour, đây là tuyến xe buýt 2 tầng thoáng nóc đầu tiên tại Hà Nội, được Transerco đã đưa vào vận hành chính thức từ năm 2018.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, doanh thu vận tải khách bằng xe buýt tại Hà Nội sụt giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, trong quý I/2021, sản lượng vé tháng ước đạt 87,2% kế hoạch, sản lượng vé lượt của xe buýt chỉ đạt 53% so với đặt hàng, đấu thầu, giảm 10,7% so với cùng kỳ 2020, thị phần bán tem vé tháng xe buýt đạt 63% toàn mạng, bằng năm 2020.
So với doanh thu dự kiến đặt hàng và đấu thầu, tổng doanh thu xe buýt trong quý I /2021 của Transerco chỉ đạt khoảng 52% và giảm khoảng 68 tỷ đồng.
Đ/c Nguyễn Thanh Nam - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty trình bày Báo cáo tại Hội nghị của tổng công ty.
Doanh nghiệp cũng nhìn nhận mức sản lượng và doanh thu giảm sâu so với kế hoạch của xe buýt City Tour, các tuyến xe buýt sân bay không trợ giá do dịch Covid-19. Do hành khách đi lại đường hàng không, nhất là tuyến bay quốc tế hạn chế, sản lượng chuyến lượt phải cắt giảm 35-50%, sản lượng hành khách sụt giảm 60-70% so với thời điểm bình thường.
Trong quý I/2021, Transerco đã đưa vào khai thác thêm 75 xe buýt và vận hành thêm 7 tuyến buýt mới. Theo lãnh đạo Transerco, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát thực hiện kế hoạch ngân sách của các đơn vị hoạt động buýt, đẩy mạnh các biện pháp quản trị chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, tăng cường công tác quản trị và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt giai đoạn 2021 - 2025, đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Đặc biệt, các đối tượng là công nhân lái xe, nhân viên phục vụ sẽ được đổi mới mạnh mẽ về cả nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo chuyên đề nhằm góp phần thay đổi căn bản về nhận thức, ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ với hành khách.
Transerco sẽ đổi mới mạnh mẽ về cả nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo chuyên đề nhằm góp phần thay đổi căn bản về nhận thức, ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ với hành khách đặc biệt là cho các đối tượng là công nhân lái xe, nhân viên phục vụ; đội ngũ kỹ thuật và thợ bảo dưỡng sửa chữa cũng được đẩy mạnh công tác đào tạo.
Ông Nam đồng hành cùng Transerco vượt khó - thách thức chính là cơ hội
Tuy chịu nhiều ảnh hưởng từ COVID-19 nhưng hiện nay, nhằm cải thiện tình hình giao thông, an toàn đô thị, phát triển giao thông công cộng vẫn sẽ là ưu tiên của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2020-2025.
Đồng thời, từ năm 2030, Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cũng được thành phố cũng đang khẩn trương nghiên cứu xây dựng, triển khai. hệ thống sản xuất và quản trị hiện nay cũng sẽ chịu nhiều tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây sẽ là những thách thức song cũng là cơ hội để Tổng công ty có thể đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh giai đoạn tới, lãnh đạo của Transerco cho hay.
Transerco sẽ nhanh chóng tận dụng việc thành phố ưu tiên phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để phát triển các lĩnh vực thế mạnh như: Vận tải hành khách công cộng, bến bãi, điểm đỗ xe, dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội hóa các dịch vụ công cộng đang được đẩy mạnh, đơn vị cũng sẽ phải đặt ra những yêu cầu ngày càng cao cho các dịch vụ của mình.
Thời gian tới đây, theo Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Transerco tiếp tục chủ động tham gia phát triển mạng lưới xe buýt Thủ đô để mở rộng vùng phục vụ và tăng cường liên kết mạng.
Trong đó, tối thiểu 10-20 tuyến buýt mới mỗi năm sẽ được phát triển thêm mỗi năm. Triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại như: hệ thống giám sát hành vi vận hành phương tiện, xe buýt điện, xe buýt nhiên liệu sạch, Hệ thống vé xe buýt điện tử… Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thực hiện sắp xếp, tối ưu hóa mạng lưới buýt để khớp nối đồng bộ với hoạt động của tuyến đường sắt đô thị, đường dành riêng cho xe buýt để cải thiện thời gian chuyến đi của hành khách và nâng cao hiệu quả hoạt động của xe buýt;
Trong lĩnh vực hạ tầng vận tải, theo quy hoạch trên cơ sở bảo đảm khả năng thu hồi vốn và hiệu quả đầu tư, Transerco sẽ chủ động tham gia triển khai các dự án đầu tư xây dựng các bến xe khách, bãi đỗ xe công cộng, đồng thời tập trung đẩy mạnh phát triển, khai thác các bãi đỗ xe công cộng có hiệu quả trong khu vực nội đô...
Tổng công ty phải chủ động và sớm chuẩn bị các điều kiện để đối mặt với tác động mạnh mẽ của vai trò và chức năng của xe buýt hiện nay sau khi một số dự án đường sắt đô thị sẽ đi vào khai thác trong các năm tới. Nhiệm vụ vận hành các phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn sẽ đặt ra trọng trách cho Transerco và các lãnh đạo phải đối mặt, ở đây bao gồm ông Nguyễn Thanh Nam đang giữ chức vụ Tổng giám đốc của Tổng công ty.
Xem thêm: Buýt nhanh BRT Hà Nội thua lỗ như thế nào trong 4 năm hoạt động?
Phương Thúy