Ông Tô Mạnh Cường: Lãnh đạo VNPT về làm Tổng giám đốc MobiFone
Tổng giám đốc MobiFone Tô Mạnh Cường là ai?
Sáng 27/11 năm 2019, tại Hà Nội, ông Tô Mạnh Cường chính thức được Ủy Ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp công bố quyết định điều động và bổ nhiệm về làm Tổng Giám đốc MobiFone.
Ông Tô Mạnh Cường sinh năm 1967 tại Hà Nội, là Thạc sỹ Điện tử Viễn thông và Cử nhân Quản trị Kinh doanh. Trước khi ngồi ghế CEO của MobiFone, ông Tô Mạnh Cường giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Chân dung Tổng giám đốc MobiFone Tô Mạnh Cường
Quá trình công tác của ông Tô Mạnh Cường
Bắt đầu từ năm 1989, ông Tô Mạnh Cường đã làm việc trong ngành Bưu điện khi công tác tại Công ty Điện thoại Hà Nội. Tại đây, ông đảm nhận nhiều vị trí và chức vụ khác nhau như kỹ sư tin học, Phó phòng Quản lý kỹ thuật, Phó Giám đốc.
Trong những năm từ 1999 đến 2010, ông Tô Mạnh Cường đã lần lượt giữ chức vụ trưởng phòng quản lý viễn thông, phó giám đốc Bưu điện TP Hà Nội rồi phó trưởng Ban Viễn thông, trưởng Ban Viễn thông, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT.
Đến năm 2008, ông Tô Mạnh Cường được bổ nhiệm làm Trưởng Ban viễn thông của VNPT và sau 2 năm, ông Cường được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc VNPT vào tháng 5 năm 2010.
Đến tháng 5/2015, ông Tô Mạnh Cường đã được Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT đã ký điều động và bổ nhiệm kiêm chức vụ Chủ tịch VNPT - Media.
Ông Cường trong buổi Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm.
Từ năm 2017 đến năm 2021, ông Tô Mạnh Cường cũng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Tin học Việt Nam lần thứ VIII.
Đến tháng 11 năm 2019, Tổng công ty MobiFone đã có tân tổng giám đốc sau một thời gian dài vắng bóng. Điều đặc biệt là ông Cường còn là lãnh đạo VNPT được điều chuyển về.
MobiFone dưới thời kỳ lãnh đạo của sếp Cường
Là một trong 3 ông lớn ngành di động cùng với Viettel và VinaPhone, MobiFone khi chưa tách khỏi VNPT đã chiếm 40% doanh thu và 70% lợi nhuận của cả tập đoàn. Sau khi đứng một mình, MobiFone cũng liên tiếp nhiều năm được khách hàng bình chọn là mạng di động được yêu thích.
Tuy nhiên, thời kỳ một loạt lãnh đạo nguyên Chủ tịch Lê Nam Trà và nguyên Tổng Giám đốc Cao Huy Hải, Nguyễn Đăng Nguyên của MobiFone bị khởi tố, bắt giam sau biến cố thương vụ mua AVG, thương hiệu này cũng chịu nhiều ảnh hưởng mạnh.
Năm 2019, MobiFone vẫn giữ vị thế nhất định với chỉ số giá trị thương hiệu/giá trị doanh nghiệp (chỉ số BV/EV) là 21%, cao nhất trong TOP 10. Giá trị thương hiệu MobiFone được định giá 708 triệu USD, vẫn vững vàng ở vị trí thứ 6 trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Doanh nghiệp MobiFone cũng là nhà mạng có giá trị thương hiệu đứng thứ 2 trong lĩnh vực viễn thông cùng năm.
Năm 2020, MobiFone được công nhận Thương hiệu Quốc gia Việt Nam sau khi đáp ứng những tiêu chí khắt khe của Chương trình, cũng như chứng minh được các giá trị cốt lõi của nhà mạng đó là chất lượng, đổi mới, sáng tạo, năng lực tiên phong.
Đặc biệt nhất, quá trình chuyển đổi số và số hóa của MobiFone đã giúp doanh nghiệp đạt được những bước tiến triển tích cực, phát huy thế mạnh về kết nối viễn thông của mình.
Sau một năm ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19, MobiFone vẫn đạt được con số doanh thu hợp nhất ấn tượng là 32.073 tỷ đồng khi kết thúc năm kinh doanh 2020. Sau khi loại trừ yếu tố khách quan, con số này tương ứng 98,5% KH năm và 100,2% cùng kỳ 2019.
Tỷ suất lợi nhuận ước đạt 17,3%, đạt 100,4% kế hoạch và lợi nhuận công ty mẹ MobiFone năm 2020 ước đạt 4.658 tỷ đồng, tương ứng 100,3% KH năm và 104,1% cùng kỳ 2019.
Bước sang năm 2021, MobiFone tiếp tục đẩy mạnh phát triển, đặt kế hoạch mục tiêu doanh thu trên 30.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế gần 4.000 tỷ đồng.
Xem thêm: Mạng 5G của MobiFone chính thức phủ sóng tại TP HCM
Phương Thúy