Ông Trần Đình Long thành tỷ phú đô la giàu thứ 2 Việt Nam, cổ phiếu Hòa Phát đã tăng bao nhiêu lần?
Nhờ giá cổ phiếu HPG đã tăng từ 41.600 đồng/cp lên 54.600 đồng/cp giúp nâng tổng giá trị tài sản của ông Trần Đình Long lên hơn 31%. Qua đó giúp ông trở thành tỷ phú đô la giàu thứ hai Việt Nam.
Trong ngày 16/4, giá trị tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đã tăng thêm 5 triệu USD, lên 2,7 tỷ USD, vượt mặt CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành tỷ phú đô la giàu thứ hai Việt Nam. Trong khi đó, khối tài sản của bà Thảo giảm 50 triệu USD, còn 2,6 tỷ USD.
Kết quả này giúp ông Long vươn lên vị trí thứ 1.260 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới, còn bà Thảo bị tụt xuống vị trí thứ 1.227, theo Forbes.
Ông Trần Đình Long
Giá trị tài sản của ông Long đã tăng 31,56% chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021 nhờ mức giá cổ phiếu tăng vọt. Cụ thể, giá cổ phiếu HPG đã tăng từ 41.600 đồng/cp lên 54.600 đồng/cp.
Chỉ tính riêng 2 tuần đầu tháng 4/2021, cổ phiếu Hoà Phát tăng 17,4%, liên tục thiết lập mức giá kỷ lục sau 14 năm niêm yết trên sàn chứng khoán (từ năm 2007). Như vậy tính riêng 2 tuần đầu tháng 4, tài sản ông Long tăng 9.360 tỷ, và tăng hơn 15.000 tỷ đồng từ đầu năm.
Cổ phiếu HPG tăng phi mã sau thông tin Hoà Phát đã vượt Formosa trở thành tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam cả về năng lực sản xuất và sản lượng bán hàng.
Giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát bắt đầu tăng nóng trong vòng 1 năm trở lại đây. Ảnh: VnDirect.
Hiện tại ông Long sở hữu trực tiếp 700 triệu cổ phiếu Hòa Phát. Bên cạnh đó, vợ ông là bà Vũ Thị Hiền nắm giữ 243,06 triệu cổ phần, Trần Vũ Minh con trai ông Long đang nắm giữ 48 triệu cổ phiếu. Như vậy gia đình ông Long hiện đang nắm giữ 1.155.600.000 cổ phiếu HPG, tương đương 34,877% công ty.
Được biết, ông Trần Đình Long và người có liên quan (con trai) đang xin ý kiến đại hội cổ đông được phép mua thêm cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Dựa trên các chỉ số tài chính và tình hình thị trường hiện tại, ban lãnh đạo Hòa Phát dự kiến doanh thu ghi nhận cả năm 2021 đạt khoảng 120.000 tỷ, tăng 33% so với số ghi nhận năm 2020. Cùng với đó, kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 18.000 tỷ đồng, tăng so với năm liền trước.
Ông Trần Đình Long lần đầu được Forbes công nhận là tỷ phú vào tháng 3/2018 với khối tài sản 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, chủ tịch Hòa Phát bị loại khỏi danh sách tỷ phú trong 2 năm kế tiếp khi thị giá cổ phiếu công ty đi xuống.
Hồi cuối tháng 5/2020, ông Long trở lại câu lạc bộ tỷ phú khi giá trị tài sản chạm mốc 1 tỷ USD nhờ đà phục hồi của cổ phiếu Hòa Phát. Thời điểm đó, chủ tịch Hòa Phát là người giàu thứ 5 tại Việt Nam với khối tài sản tương đương Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang, xếp sau các tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Bá Dương, Hồ Hùng Anh. Giá trị tài sản của ông Trần Đình Long tăng thêm 1,7 tỷ USD chỉ sau chưa đầy 1 năm.
Cũng theo danh sách cập nhật mới nhất của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup vẫn giữ vị trí số 1 người giàu nhất Việt Nam với tổng tài sản 9,8 tỷ USD, ông Vượng hiện đang đứng thứ 236 trong top người giàu nhất thế giới. Tài sản của ông Vượng còn nhiều hơn tài sản của thái tử Samsung Jay Y.Lee, Phó Chủ tịch Samsung Electronics (9,2 tỷ USD); George Soros (8,6 tỷ USD).
Ba vị trí tỷ phú USD của Việt Nam trên bảng xếp hạng của Forbes là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank (đạt 1,7 tỷ USD – xếp hạng 1.886), ông Trần Bá Dương (đạt 1,6 tỷ USD, xếp hạng 2.004), ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch tập đoàn Masan (tài sản 1,3 tỷ USD – xếp hạng 2.333).
Xem thêm: Con đường trở thành tỷ phú của Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát dù xuất phát không có kinh nghiệm về thép
Hà Ly