Phá triển dịch vụ logistics trở thành ngành mũi nhọn

18:26 | 31/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cùng đồng hành với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics phát triển nhanh chóng tự nâng tầm, nâng cao năng lực nội tại, có tinh thần tiên phong tiến ra thị trường quốc tế

Logistics tại Việt Nam là một trong những ngành phát triển mạnh nhất theo dự đoán khi nước ta tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Ngành Logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất. Logistics có mặt tại Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây với tốc độ phát triển vô cùng ấn tượng, lên đến 35 – 40%. Hiện tại, có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics trên cả nước và con số này được dự đoán sẽ tăng chóng mặt trong thời gian sắp tới.

Đóng góp quan trọng vào công cuộc chống dịch Covid-19

Tại Hội thảo trực tuyến “Phát triển Logistics Việt Nam ngang tầm quốc tế” diễn ra ngày 30/7/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định: Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.

Phá triển dịch vụ logistics trở thành ngành mũi nhọn - ảnh 1

 Doanh nghiệp logistics phải nhanh chóng nâng cao năng lực, tiến ra thị trường quốc tế Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo

Phân tích cụ thể, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 14-16%.

Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Đặc biệt là nhận thức và sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương về vai trò của ngành logistics đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã tác động đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, gây ra những tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, trong đó phải kể đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng của hoạt động logistics trên toàn cầu mà cho đến nay vẫn chưa phục hồi lại được hoàn toàn.

Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 đồng thời tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được ổn định.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của ngành logistics, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết: Trong 10 năm từ 2010-2020, tổng kim ngạch xuất nhập của Việt Nam  tăng gấp 3 lần so với trước đây. Đáng chú ý, về cán cân thương mại, nếu như từ năm 2012 trở về trước, chúng ta thường xuyên ở mức nhập siêu, nhưng từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã dần cân bằng cán cân thương mại và bắt đầu có xuất siêu.

Doanh nghiệp logistics phải nhanh chóng nâng cao năng lực, tiến ra thị trường quốc tế

Đặc biệt, ở năm 2010, chúng ta mới có 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đến năm 2020, con số này đã tăng lên 32 mặt hàng. Thậm chí, không chỉ có các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, năm 2020, chúng ta đã có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD…

Quy mô thương mại của nước ta đang phát triển rất rộng, đây là kết quả rất rõ nét của tiến trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua. Cùng với quá trình về hội nhập, có sự đồng hành và vai trò của ngành logistics trong hoạt động phát triển kinh tế, trong đó có cả hoạt động về xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

 Phá triển dịch vụ logistics trở thành ngành mũi nhọn - ảnh 2

Hoạt động logistics của Hải Phòng chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng, những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics

“Logistics đóng vai trò nền tảng để hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, thương mại của đất nước. Các hoạt động logistics giúp đảm bảo cung cấp các nguồn nguyên vật liệu một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác cho các hoạt động sản xuất, qua đó, giúp cho hoạt động sản xuất, sau đó là hoạt động thương mại có thể phát triển với tốc độ nhanh như thời gian qua” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, logistics chính là môi trường cầu nối để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô cả nước cũng như từng địa phương. Khi hàng hóa lưu thông trên cả nước, vai trò của logistics hết sức thiết yếu. Đặc biệt, ở các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng… logistics có một vai trò rất quan trọng, làm động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực, địa phương này.

Logistics góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp. Chi phí logistics là một yếu tố hết sức quan trọng trong năng lực cạnh tranh, bên cạnh những yếu tố về quy mô, vốn, thị trường… “Việc cắt giảm chi phí logistics luôn luôn là mối quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp. Bởi khi chúng ta có thể đưa ra hoạt động logistics ở chi phí thấp hơn, hiệu quả tốt hơn và thời gian nhanh hơn, sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp” - ông Trần Thanh Hải nói.

 Phá triển dịch vụ logistics trở thành ngành mũi nhọn - ảnh 3

Cầu cảng là nơi diễn ra nhiều hoạt động trong chuỗi dịch vụ logistics

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chia sẻ: Ngành logistics là một ngành kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, tham gia ngày càng sâu rộng vào mọi mặt của nền kinh tế xã hội. Đặc biệt trong thời gian qua, trong bối cảnh cả thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19, ngành dịch vụ logistics Việt Nam càng thể hiện vai trò quan trọng đóng góp vào công cuộc chống dịch Covid-19 thông qua đảm bảo hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi được thực hiện hiệu quả nhằm lưu thông dòng hàng hóa thông suốt phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất nhập khẩu.

Tuy vậy, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực

về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics còn thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp...

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Cùng đồng hành với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics cũng phải nhanh chóng tự nâng tầm, nâng cao năng lực nội tại, có tinh thần tiên phong tiến ra thị trường bên ngoài , hướng đến cung cấp dịch vụ logistics mang tính chuyên nghiệp, theo các chuẩn mực quốc tế.

Đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics

Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20%GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Quyết định số 221/QĐ-TTg đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của đất nước.

 Phá triển dịch vụ logistics trở thành ngành mũi nhọn - ảnh 4

Hội thảo về logistics diễn ra tại Bộ Công Thương 

“Bản kế hoạch này có thể xem như kim chỉ nam cho việc phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, đồng thời cho hay, để đạt được mục tiêu nêu trên, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

Tiến sĩ Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (Valoma) cho rằng: Báo cáo logistics Việt Nam trong những năm qua cho thấy tốc độ tăng trưởng ngành logistics đat 14-16%, song chi phí logistics hiện nay còn cao, tương đương với khoảng 15-19% GDP, cho thấy việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp logistics và cắt giảm chi phí logistics là vấn đề sống còn để cải thiện năng lực cạnh tranh kinh tế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về logistics, bởi nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics. Phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập; xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, khả năng chống chịu, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường, quyết tâm mở rộng phạm vi kinh doanh ra các thị trường bên ngoài Việt Nam.

Ly Na (TH)