Phát hành xuất bản phẩm điện tử phải có máy chủ đặt tại Việt Nam
Thay vì quy định cụ thể điều kiện trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200m2 sử dụng trở lên, Nghị định 150/2018/NĐ-CP chỉ quy định, trụ sở của nhà xuất bản có diện tích phù hợp, đáp ứng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc.
Nghị định cũng đơn giản hóa điều kiện hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử đã được quy định tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP. Theo đó, điều kiện về thiết bị, công nghệ để xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử được sửa đổi như sau: có máy chủ đặt tại Việt Nam; có thiết bị, phần mềm phục vụ việc thiết kế, dàn trang, ghi dữ liệu trên các phương tiện điện tử...
Về tiêu chuẩn nhân lực kỹ thuật để điều hành, quản lý quá trình xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, Nghị định 150/2018/NĐ-CP chỉ quy định nhân lực kỹ thuật phải được đào tạo về công nghệ thông tin và bỏ điều kiện về thâm niên công tác.
Về biện pháp kỹ thuật quy định tại điểm b Khoản 1 và điểm b Khoản 2 Điều 45 Luật Xuất bản, Nghị định 150/2018/NĐ-CP yêu cầu phải có giải pháp kỹ thuật chống xâm nhập trái phép qua hệ thống mạng Internet.
Nghị định 150/2018/NĐ-CP cũng đơn giản hóa điều kiện thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài với việc bỏ điều kiện phải có địa điểm làm trụ sở văn phòng đại diện.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bãi bỏ đa số các quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin được nêu tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trước Nghị định số 150/2018/NĐ-CP sửa đổi, Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch quy định từ nay đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (không gồm cơ quan báo chí) và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Đồng thời, tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Nhà nước chỉ đầu tư cho một số báo thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Có thể khẳng định, công tác truyền thông trong giai đoạn mới đang có nhiều cơ hội những cũng gặp nhiều thách thức.
Theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh, hiện nay xu hướng truyền thông đã thay đổi khá nhanh và mạnh, nền tảng truyền thông cũng thay đổi khá nhiều, chính vì thế người làm công tác truyền thông, báo chí, văn hóa cần có những thay đổi trong việc cung cấp thông tin, cách tác nghiệp, cách tiếp cận độc giả, người đọc, người xem.
Cùng với đó, trong cơn bão Internet, mạng xã hội như hiện nay, bên cạnh những nội dung hay, nội dung tốt, câu chuyện về tin tức giả (fake news) đang trở thành cuộc khủng hoảng. Vì thế, rất cần những người làm công tác truyền thông, báo chí hơn bao giờ hết cần đưa tin thật, đưa sự thật đến với độc giả.
Hiện nay, các hãng thông tấn trên thế giới cũng đang phải tìm hướng đi cho tương lai báo chí.
Phát biểu tại Hội nghị các hãng thông tấn thế giới với chủ đề "Tương lai báo chí truyền thống trong bối cảnh nhiều thách thức mới" vào tháng 5 vừa qua, Tổng Giám đốc Hãng thông tấn Nga (TASS) Sergei Mikhailov, cho rằng đã đến lúc cần phải xây dựng những cơ chế hiệu quả để nhanh chóng làm rõ những thông tin giả trong môi trường truyền thông.