Phát triển ngành phân phối: Giải quyết mâu thuẫn hiện đại và truyền thống để cùng thắng
Xu hướng bán hàng đa kênh và sức hút lớn đối với các nhà đầu tư
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn với xu hướng bán hàng trực tuyến, bán hàng đa kênh và tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
“Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh do lợi thế dân số đông trên 90 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỉ lệ cao, ngoài ra nền kinh tế đang trên đà hồi phục với tốc độ tăng trưởng nhanh. Cùng với sự hội tụ của công nghệ vào lĩnh vực bán lẻ, thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam ngày càng trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn với sự xuất hiện những xu hướng mới như bán hàng trực truyến, bán bán hàng đa kênh. Do vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước”, ông Đông khẳng định.
Theo báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) được công bố bởi Công ty tư vấn A.T Kearney (Mỹ), Việt Nam xếp vị trí thứ 6 và nằm trong top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 của Việt Nam đạt quy mô khoảng 4,4 triệu tỷ đồng (tương đương với 190 tỷ USD), với mức tăng trưởng là 11,7% so với năm 2017. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm khoảng 75% tổng mức, duy trì tốc độ tăng trưởng khá (tăng 12% so với năm 2017), doanh thu lưu trú ăn uống chiếm khoảng 12,3% (tăng 9,1% so với năm 2017), doanh thu du lịch lữ hành chiếm 0,9% (tăng 14,1% so với năm 2017) và các doanh thu các loại dịch vụ khác chiếm khoảng 11,8% (tăng khoảng 9,8% so với 2017).
Báo cáo của Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cũng chỉ rõ: Những yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm (2014-2018) dẫn đầu là yếu tố tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực (60,7%), theo sau là sự mở rộng thị trường hiện có (42,9%) và cải thiện cơ sở hạ tầng (39,3%).
Đồng tình với ý kiến trên, ông Cho Young Shin, Vụ trưởng Vụ Chính sách Doanh nghiệp tầm trung, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc; ông Kang Min Ho, Tổng Giám đốc LOTTE MART Việt Nam; bà Kim Jeong Min, Phó Giám đốc Văn phòng KOICA Việt Nam đều khẳng định: Thời gian qua, ngành phân phối Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực.
Đại diện KOICA cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký MOU hỗ trợ tăng cường năng lực cho ngành phân phối Việt Nam, do đó, trong thời gian tới, KOICA và Lotte Việt Nam đều khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tập huấn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành phân phối.
Ông Kang Min Ho-Giám đốc Lotte Mart cho rằng, với mục đích tăng cường năng lực cho ngành phân phối của Việt Nam, Lotte đã ký hợp đồng với KOICA để có thể hợp tác phát triển dự án hỗ trợ cho ngành phân phối của Việt Nam.
“Lotte Mart và Koica đánh giá rất cao sự phát triển của thị trường phân phối Việt Nam. Do vậy, Lotte Mart cũng đã có nhiều buổi tập huấn cho người lao động cũng như tìm rất nhiều kênh để đồng hành, hợp tác cùng phát triển với ngành phân phối Việt”, ông Kang Min Ho nói.
Cần phát triển cân bằng các kênh phân phối hiện đại và truyền thống
Bàn về giải pháp cho định hướng chính sách hợp tác win-win trong ngành phân phối giữa Việt Nam-Hàn Quốc, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nói chung và thương mại nội địa nói riêng, Bộ Công Thương xác định việc cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa ngành phân phối là yêu cầu thiết yếu. Tuy nhiên cần phát triển cân bằng giữa các kênh phân phối hiện đại và kênh phân phối truyền thống.
Để phát triển toàn diện ngành phân phối tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cùng cộng đồng doanh nghiệp hai bên Việt, Hàn, bên cạnh giải pháp giải quyết mâu thuẫn của phân phối hiện đại và phân phối truyền thống, cần phải giải quyết sự phát triển hài hòa giữa doanh nghiệp lớn với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp FDI với hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng với đó là phát triển hài hòa giữa kinh doanh trực tuyến và phi trực tuyến trong bối cảnh hoạt động trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ truyền hình, điện thoại ngày càng phát triển với tốc độ rất cao.
Ngoài ra, cần tổ chức tiêu thụ hàng hóa trong một đất nước nông nghiệp và đi lên từ nông nghiệp. Đây cũng chính là giải quyết mâu thuẫn cũng như yêu cầu nội tại của nền kinh tế Việt Nam.
Tham dự Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương bổ sung thêm giải pháp về phát triển các trung tâm phân phối nông sản tổng hợp, trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu lưu thông phân phối hàng hóa trên cả nước.
“Đây cũng là một vấn đề cần phải xem xét khi xây dựng chính sách phát triển toàn diện ngành phân phối. Hiện nay, Việt Nam còn thiếu các kho đông lạnh và phương tiện vận chuyển để phân phối và lưu trữ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi”, ông Hội chia sẻ.