Phát triển nhà ở xã hội: Giải pháp nào tháo bế tắc?

20:42 | 16/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các tỉnh, thành phố cũng khuyến khích và kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng các dự án nhà xã hội với nhiều gói ưu đãi khác nhau. Tuy nhiên, hướng khuyến khích này dường như chưa hiệu quả...

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc góp ý dự thảo Thông tư Hướng dẫn một số nội dung về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

HoREA hoan nghênh Bộ Xây dựng đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện của Hiệp hội và các chuyên gia, để có bản dự thảo lần 3 ngày 18/6/2021 “Thông tư Hướng dẫn một số nội dung về phát triển và quản lý nhà ở xã hội” (dự thảo Thông tư). Theo đó, HoREA đã đưa ra một số góp ý dự thảo Thông tư.

Phát triển nhà ở xã hội: Giải pháp nào tháo bế tắc? - ảnh 1

Về việc hoàn thiện các tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, Hiệp hội đề xuất bổ sung thêm các tiêu chí.

Thứ nhất là tiêu chí về vốn đầu tư.

Thứ hai là tiêu chí về lợi nhuân định mức.

Tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% tổng mức đầu tư. Do vậy, các nhà đầu tư dự thầu có thể cạnh tranh bằng cách giảm lợi nhuận định mức.

Thứ ba là tiêu chí về mức hưởng ưu đãi về thuế, về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, được nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Do vậy, các nhà đầu tư dự thầu có thể cạnh tranh bằng cách giảm mức hưởng ưu đãi về thuế, giảm mức nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống đầu tư hạ tầng kỹ thuật khi tham gia đấu thầu.

Thứ tư là tiêu chí về dành diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại.

Theo Khoản (1.b) và Khoản (1.c) Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định chủ đầu tư được dành 20% tổng diện tích đất trong dự án nhà ở xã hội, để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại, nhà ở thương mại; hoặc được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại. Do vậy, các nhà đầu tư dự thầu có thể cạnh tranh bằng cách giảm tỷ lệ diện tích đất hoặc diện tích sàn nhà ở để bán theo giá kinh doanh thương mại.

Thứ năm là tiêu chí về thời hạn cho thuê, tỷ lệ sản phẩm nhà ở xã hội cho thuê của dự án.

Thứ sáu là tiêu chí về giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có năng lực sẽ đưa ra mức giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội tốt nhất, thuận lợi nhất cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.

Cuối cùng là tiêu chí về tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, mỗi tiêu một tiêu chí được đưa ra đều có vai trò quan trọng, tuy nhiên, có 2 tiêu chí được cho là quan trọng nhất là tiêu chí về vốn đầu tư và tiêu chí về thời hạn cho thuê, tỷ lệ sản phẩm nhà ở xã hội cho thuê của dự án.

Trên thực tế, UBND TP. Hà Nội vừa có Văn bản 1743 về việc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy các nội dung liên quan đến đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP.

Theo đó, tại văn bản vừa được gửi các Sở: Xây dựng, quy hoạch và Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường cùng các quận, huyện, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, đơn vị liên quan, tổng hợp kiểm tra, rà soát, tham mưu, dự thảo văn bản của Ban Cán sự đảng UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy các nội dung liên quan đến trách nhiệm nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội theo quy định pháp luật trên địa bàn TP.

Trong đó, báo cáo làm rõ tình hình, kết quả thực hiện các kết luận của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2021, rà soát lại các văn bản kết luận, chỉ đạo của UBND TP, cơ quan liên quan để tham mưu điều chỉnh phù hợp với các quy định hiện hành.

Rà soát, thống kê đầy đủ các quỹ đất quy định là 20% (TP. Hà Nội là 25%) và quỹ đất nhà ở xã hội độc lập mà chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn TP có trách nhiệm phải bố trí và dự án nhà ở xã hội.

Tình hình triển khai thực hiện cơ chế thí điểm 5 khu nhà ở xã hội tập trung, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất kiến nghị những nội dung cụ thể thuộc thẩm quyền của UBND TP, HĐND TP, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo UBND TP. Hà Nội trước ngày 30/6/2021.

Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, kiểm tra, rà soát quỹ đất 20% (25%) toàn bộ quy hoạch chi tiết dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị (phải bố trí nhà ở xã hội), dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết phải bố trí nhà ở xã hội, kể cả quy hoạch chi tiết phân cấp quận, huyện, thị xã.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đến nay, các địa phương đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, bao gồm: 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375 ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983 ha; trong đó, đã hoàn thành 248 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, với tổng diện tích hơn 5.175.000 m2.

Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, tổng diện tích khoảng 10.825.000m2; và 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng. 

Tuy vậy, với tổng diện tích hơn 5.175.000 m2 nhà ở xã hội đã xây dựng được thời gian qua, mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).
 
Có một thực tế là thời gian qua, trước nhu cầu của cấp bách về việc cần đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội.
 
Trước thực trạng trên, phát biểu tại hội nghị thảo luận sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được tổ chức năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội trong giai đoạn tới.
 
Đó là một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định nhóm đối tượng chính sách xã hội; quy định chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội phải dành 20% quỹ nhà ở trong dự án; quy định về một số thủ tục hành chính còn phức tạp như phải thẩm định về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội…
 
Bên cạnh đó, còn có khó khăn, hạn chế về nguồn vốn, quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể như, hiện nay quy định các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị tại các đô thị từ loại 3 trở lên mới bắt buộc phải dành diện tích đất trong dự án cho phát triển nhà ở xã hội. Vì vậy, thời gian qua hầu hết các chủ đầu tư dự án có quy mô dưới 10 ha đất đều lựa chọn hình thức nộp bằng tiền thay vì dành quỹ đất hay quỹ nhà trong dự án làm nhà ở xã hội dẫn đến việc thiếu quỹ đất cho đầu tư nhà ở xã hội…
 
Trước loạt bất cập trên, ông Sinh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu các ý kiến, các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp và sẽ sớm có báo cáo lên Chính phủ, kịp thời sửa đổi cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia chính sách, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

 
Đan Trường (TH)