TS Cấn Văn Lực: Còn khoảng 1.500 dự án BĐS bị lãng phí, đề xuất chuyển đổi nhà ở thương mại đang bỏ hoang sang NOXH
Doanh nghiệp chưa "thẩm thấu" hết ưu đãi, cần đa dạng nguồn vốn cho quỹ NOXH
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở xã hội (NOXH), trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án NOXH đã được triển khai với quy mô 593.428 căn, trong đó có 103 dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; 137 dự án đã khởi công với quy mô 114.618 căn; 415 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 412.055 căn.
Với số lượng căn hộ được khởi công và hoàn thành, đến nay đã đạt khoảng 42,38% mục tiêu của Đề án “Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà cho người thu nhập thấp và công nhân trong giai đoạn 2021 – 2030”. Một số địa phương tích cực triển khai khởi công, hoàn thành các dự án, đạt tỉ lệ cao so với chỉ tiêu của Đề án đến năm 2025; tuy nhiên, một số địa phương có nhu cầu về NOXH lớn nhưng số dự án được khởi công còn thấp.
Về triển khai nguồn vốn tín dụng của Chương trình 120.000 tỷ đồng, tính đến tháng 3/2025 đã có 37/63 UBND tỉnh, thành gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với tổng số là 90 dự án, tổng số tiền giải ngân là 2.845 tỷ đồng gồm: 2.580 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 20 dự án và 265 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án. Tỉ lệ giải ngân được đánh giá là rất thấp.
Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai Đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới.
Cụ thể, nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, thậm chí một số địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay; việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư NOXH, nhà ở cho công nhân.
Để tạo lập chỗ ở cho người thu nhập trung bình và thu nhập thấp tại các đô thị, trong cuộc họp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương vào cuối tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu nghiên cứu thành lập Quỹ nhà ở quốc gia nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, để triển khai quỹ nhà ở này có hiệu quả vẫn cần sự vào cuộc từ nhiều đơn vị.
Chia sẻ tại toạ đàm “Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội” tổ chức sáng ¼, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài Chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết: “Có vẻ như truyền thông liên quan đến ưu đãi, lợi ích cho doanh nghiệp chủ đầu tư, chúng ta làm chưa tốt lắm. Ví dụ, 20% vừa rồi chúng ta bàn luận là tài nguyên, lợi ích rất lớn cho chủ đầu tư. Tức là trong một dự án NOXH, doanh nghiệp được phép dùng 20% quỹ đất của dự án đó để có thể làm nhà ở thương mại, dịch vụ kinh doanh thương mại và không bị khống chế định mức lợi nhuận.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài Chính - Tiền tệ Quốc gia.
Đây là quy định rất mở. Theo như quy định cũ, trong dự án nhà ở thương mại, doanh nghiệp phải dành ra 20% quỹ đất làm NOXH, nhưng hiện nay không nhất thiết phải làm như vậy. Mà hiện nay 20% đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền hoặc bổ sung ở nơi khác chứ không nhất thiết phải thực hiện trong khuôn viên đó.
Nói vậy để thấy có rất nhiều thứ ưu đãi cho doanh nghiệp, rất tiếc nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư chưa thẩm thấu được lợi ích từ các chính sách ưu tiên. Tôi bổ sung thêm, doanh nghiệp không phải quá quan tâm việc định mức 10% hay 13%. Việc đó làm sao có thể so được với việc người ta tiết kiệm được thời gian liên quan đến quy trình thủ tục phê duyệt dự án, phê duyệt đối tượng mua nhà.
Ví dụ, chúng ta giải thời gian từ 4 năm, xuống chỉ còn 1 năm, bớt đi 3 năm. 3 năm đó là khoảng thời gian doanh nghiệp làm thêm được nhiều việc khác, chắc chắn lợi ích hơn nhiều so với 3%. Không những vậy còn giải phóng niềm tin, khơi thông nguồn lực, giải quyết lãng phí. Ý thứ 2 liên quan đến nguồn vốn, chúng ta nên nhớ rằng quỹ liên quan đến phương án phát triển nhà ở quốc gia là một trong những cách nhiều nước đã làm trong thời gian vừa qua. Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Quỹ này cơ bản có 4 nguồn vốn khác nhau, thứ nhất là vốn ngân sách nhà nước, thứ hai nguồn vốn phát hành trái phiếu dành cho dự án NOXH, nguồn vốn thứ 3 chính là tiền tiết kiệm của người mua nhà. Ví dụ muốn mua NOXH, dứt khoát người mua phải tiết kiệm, có thể trích ra từ nguồn thu nhập để cam kết có dòng tiền trả nợ cho ngôi nhà đó.
Thứ 2, chính sách quỹ được coi như cơ sở quản lý tiền thay cho người mua nhà.
Thứ 3, một số nước như Trung Quốc, Singapore dùng một phần quỹ BHXH. Cuối cùng là nguồn vốn của các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế tham gia. Với những nguồn vốn như thế tương đối khả thi. Về đối tượng mua nhà, dứt khoát phải thuộc đối tượng thu nhập thấp, có thể áp từ quy định hiện nay.
Như Thủ tướng chỉ đạo là đối tượng dưới 35 tuổi. Một số nước có chính sách cho người dưới 35 tuổi, với điều kiện phải có công ăn việc làm, nhưng có thu nhập trung bình thấp. Ngoài ra, có thể nộp tiền tiết kiệm một phần vào quỹ, rất khoa học và rất hiệu quả. Trước đây, Việt Nam từng có một thời kỳ có quỹ tiết kiệm nhà ở quốc gia, giờ ta có thể khởi động lại, rất khả thi, nhân văn và bền vững”.
Giải pháp cho hàng nghìn dự án BĐS "đắp chiếu"
Tuy nhiên, một vấn đề rất lớn, tồn tại trong lĩnh vực bất động sản nhiều năm nay là loạt dự án “đắp chiếu”, chậm triển khai, không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai và tài chính mà còn làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp, người dân và ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
“Tôi vừa đi một loạt các địa phương còn khác nhiều dự án bất động sản đang bị lãng phí. Tôi nhớ đâu đó khoảng 1.500 dự án, nếu những dự án này tháo gỡ được sẽ giải phóng nguồn lực rất lớn. Tăng việc làm, tạo ngân sách, đặc biệt là niềm tin với quyết sách của Nhà nước. Trong đó có rất nhiều dự án nhà ở thương mại, hiện nay đang bị treo, bỏ hoang rất lãng phí”. TS Cấn Văn Lực nêu thực trạng, đồng thời để xuất giải pháp: “Tôi đưa ra đề nghị xây dựng cơ chế chuyển đổi nhà ở thương mại đang bị bỏ hoang như thế, chuyển sang làm dự án NOXH”.
Cũng liên quan đến việc xây dựng quỹ nhà ở quốc gia, ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: “Nếu dùng để xây NOXH thì không đủ được, tuy nhiên, dùng quỹ này để thực hiện công tác thu hồi mặt bằng tái định để thực hiện dự án NOXH thì sẽ hiệu quả hơn. Bây giờ cần phải sử dụng quỹ nhà ở quốc gia, chứ không phải lấy quỹ này để phát triển dự án thì không đủ, không có quỹ nào mà to lớn, mà đủ để thực hiện các dự án NOXH”.
Cũng theo vị này, quỹ nhà ở quốc gia là nội dung quan trọng để khởi nguồn cho đầu tư dự án NOXH. Tuy nhiên, phải có cơ chế thu lại cho quỹ để phát triển các dự án khác.
“Quỹ này cần có cơ chế ứng ra hoặc cho vay rồi thu về, không thể cứ lấy ra xây dựng NOXH thì sẽ dần dần hết quỹ. Chúng ta cần có quy định, hướng dẫn cụ thể để đưa vào dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội.
Như Luật đất đai có quỹ phát triển quỹ đất, dùng để bồi thường tái định cư làm mặt bằng nhưng lại được hoàn trả lại. Ví dụ: quỹ bỏ ra để làm mặt bằng đấu giá đất xong lại hoàn tiền đấu giá đất về quỹ”, ông Lê Văn Bình đánh giá.
Về phía Bộ Xây dựng, ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết: “Chúng tôi được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, phát triển NOXH. Một trong những nội dung của việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù là thực hiện chỉ đạo Tổng bí thư Tô Lâm và cũng như các cấp ngành khác là thí điểm thành lập quỹ phát triển NOXH quốc gia.
Hiện nay, chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng lấy ý kiến thẩm định các cơ quan trước khi trình Quốc hội. Về định vị quỹ phát triển NOXH ở Quốc gia sẽ đứng ở vị trí nào thì Quỹ phát triển này đang đề xuất là quỹ tài chính ngoài ngân sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì lợi nhuận, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, phù hợp quy định của pháp luật.
Về nguồn vốn, chúng tôi đang nghiên cứu là có sự đóng góp Ngân sách Nhà nước. Liên quan đến các nguồn khác, hiện nay có nhiều nguồn thu cũng như mô hình nguồn thu từ quỹ phát triển đất, chúng ta có thể nghiên cứu ở nội dung này và đưa vào. Từ đó, xác định ngoài Ngân sách Nhà nước thì có thêm nguồn vốn huy động, phải nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Mục đích của quỹ này là có thể để cho thuê, giống như bài học, kinh nghiệm từ các nước quốc tế (đều có nhà ở công cộng cho thuê).
Đồng thời, từ nguồn quỹ này hỗ trợ cấp bù lãi suất chênh lệch cho chủ đầu tư. Cuối cùng, từ nguồn hình thành quỹ này sẽ hỗ trợ địa phương có khó khăn cân đối ngân sách trong giải phóng mặt bằng để phát triển NOXH. Chúng tôi đang xây dựng nội dung cơ bản của quỹ này, trong thời gian tới, nếu thuận lợi, nghị quyết này sẽ được thông qua tại các kỳ họp sắp tới”, ông Chử Văn Hải nhấn mạnh.