Phát triển nông nghiệp: Lấy DN làm trung tâm, nông dân là chủ thể và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp là 7.600 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm.
Năm 2017, Việt Nam có 9 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm 2018, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao như thủy sản đạt hơn 3,9 tỷ USD; cà phê đạt 2 tỷ USD; rau quả đạt 2 tỷ USD; gạo đạt 1,8 tỷ USD; hạt điều đạt 1,7 tỷ USD...
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định những con số trên chưa phản ánh tương xứng tiềm năng của lĩnh vực nông nghiệp nước nhà.
“Doanh nghiệp chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong đó, số doanh nghiệp nông lâm thủy sản chỉ chiếm khoảng 1%, thấp quá! Thiếu vai trò của doanh nghiệp, các loại hình thì khó trở thành một ngành sản xuất lớn của nông nghiệp Việt Nam. Đây là khâu các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành phải quan tâm đặc biệt, trước hết là số lượng doanh nghiệp. Thứ hai, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ vẫn chiếm đến 96%”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nêu lên một số vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, đó là công nghiệp chế biến sâu chưa có mà chủ yếu vẫn là chế biến thô; việc tiêu thụ túi nilon trong bao tiêu sản phẩm quá lớn. Đặc biệt còn ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Doanh nghiệp vẫn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, trừ một số nhỏ có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Năng suất lao động nông nghiệp còn thấp, bình quân 38% năng suất lao động bình quân cả nước. Chỉ có 5% số doanh nghiệp được cấp tiêu chuẩn VietGap và tương đương.
Nhận thức rõ vai trò còn yếu của cộng đồng doanh nghiệp Việt trên lĩnh vực nông nghiệp, các đại biểu tại Hội nghị nhấn mạnh: Để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì cần coi doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, nòng cốt, nông dân là chủ thể và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực này.
Cùng với đó là có chính sách để khuyến khích dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; thúc đẩy phát triển các hợp tác xã để tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp; chia sẻ thông tin thị trường; quy hoạch đất đai để đảm bảo đủ diện tích lớn cho sản xuất hàng hóa.
Để xây dựng thương hiệu, đại diện từ cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, chính các doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi tư duy, ngoài đảm bảo chất lượng cao của sản phẩm thì phải chuyển từ tư duy “đóng bao” sang “đóng gói”, cung cấp đầy đủ thông tin cho sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico đề nghị tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn gene nông sản quý để phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, bởi hiện doanh nghiệp chưa tiếp cận được các giống quý từ “cửa trước” của các Viện nghiên cứu.
Cho rằng doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn để khẳng định mình tại các thị trường trọng điểm, trong đó có thị trường lớn là Trung Quốc, bởi các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô còn nhỏ, bà Nguyễn Thị Thành Thực đề nghị có khu đại diện cho Việt Nam để doanh nghiệp khi đến buôn bán coi đó là nhà mình, được bảo vệ.
“Nếu chúng tôi muốn đầu tư trên sàn giao dịch thương mại của Alibaba phải đặt cọc hàng tỷ đồng và kho đảm bảo, thì không phải doanh nghiệp nhỏ nào cũng làm được điều đó”, bà Thực nói.
Cần đo đếm sự giúp đỡ doanh nghiệp bằng con số
Tán thành với các doanh nghiệp về việc cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp và HTX để thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ và chính quyền địa phương đo đếm sự giúp đỡ doanh nghiệp bằng con số chỉ rõ mỗi năm, tại mỗi tỉnh, Nhà nước giúp cho bao nhiêu HTX, bao nhiêu doanh nghiệp triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao có hiệu quả.
“Nói chính sách phải cụ thể, từng tỉnh giúp được HTX tên là gì, doanh nghiệp gì. Và nên công bố 3 chỉ tiêu, thu nhập nông dân là bao nhiêu; tỷ lệ nông dân, HTX là bao nhiêu; đất nông nghiệp được người dân, HTX và doanh nghiệp thâm canh là bao nhiêu”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Tán thành với quan điểm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ “vấn đề cốt lõi vẫn là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư cho ngành nông nghiệp”.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đất đai, ổn định quỹ đất; cắt giảm 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục về thuế. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thúc đẩy cạnh tranh, hiệu quả theo cơ chế kinh tế thị trường; trong đó chú ý đến 3 lĩnh vực sản xuất đứng vào tốp 5 của thế giới, đó là rau củ quả, thủy hải sản, dược liệu và một số mặt hàng thế mạnh khác như tôm, gạo.
Thủ tướng đặt hàng ngành nông nghiệp, trong 10 năm tới đứng vào top 15 của các nước phát triển nhất thế giới, trong đó, chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, để xây dựng phát triển các loại hình doanh nghiệp Việt Nam.