Phát triển thương mại điện tử - Bài 1: Trở thành bệ phóng của nền kinh tế số
Đặc biệt, nhằm tháo gỡ vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Bởi vậy, việc hướng tới một thị trường an toàn, lành mạnh theo mục tiêu đề ra tại Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 hoàn toàn có thể thực hiện khi có sự vào cuộc đồng bộ từ Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, địa phương và doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia thị trường trực tuyến. Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết phản ánh những vấn đề xung quanh phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Với mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022 – 2025, nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục từ 120-200 tỷ USD vào năm 2030. Theo Sách trắng năm 2022 do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt 16,4 tỷ USD. Cùng đó, có khoảng 57 triệu đến 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người từ 260-285 USD. Với sự phát triển mạnh mẽ này, thương mại điện tử được định hướng trở thành bệ phóng của nền kinh tế số.
Điểm nhấn nổi bật
Trong báo cáo e-Conomy 2022 từ Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022.
Để có được kết quả này, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối, hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử với người tiêu dùng.
Cùng đó, hàng Việt đã được quảng bá, xuất khẩu thông qua các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba…
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cũng chỉ ra rằng, Internet và thương mại điện tử đều có những mặt trái và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đơn cử như việc vi phạm pháp luật trên website, các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng…
Theo ông Nguyễn Quách Nhi - đại diện sàn thương mại điện tử Tiki, việc đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tiếp cận được thị trường lớn trong thời gian ngắn mà không phải đầu tư hệ thống cửa hàng khá tốn kém và mất thời gian.
Hơn nữa, mô hình hợp tác đa dạng, phương án vận hành, giải pháp tiếp thị từ đơn vị thương mại điện tử hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Vì vậy, dù doanh nghiệp chưa có nhiều chuyên môn nhưng khi có sàn thương mại điện tử lớn đồng hành cùng gói hỗ trợ chuyển đổi số kinh doanh sẽ khiến việc tham gia thị trường trực tuyến bài bản và cơ hội tiếp cận thị trường lớn hơn.
Ông Nguyễn Bình Minh - Giảng viên chính Bộ môn Thương mại điện tử-Trường Đại học Thương mại nhấn mạnh, thời gian qua, thương mại điện tử của Việt Nam được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hơn nữa, hoạt động thương mại điện tử trở thành điểm nhấn nổi bật trong bức tranh thương mại của Việt Nam. Cùng đó, công cụ thanh toán, số tài khoản thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh, nhất là tài khoản ví điện tử. Không những thế, chuỗi cung ứng và logistics của Việt Nam đã được hoàn thiện hơn, nhiều người tiêu dùng không mấy quan tâm đến việc kiểm tra hàng trước khi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thương mại điện tử đang nổi lên như một trụ cột tăng trưởng cho kinh tế số của các quốc gia Đông Nam Á; trong đó, có Việt Nam song quy mô phát triển giữa các địa phương vẫn chưa đồng đều.
Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử năm 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nêu rõ, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương có Chỉ số thương mại điện tử dẫn đầu cả nước (với 90,6 và 85,4 điểm), cách biệt khá xa so với Chỉ số thương mại điện tử của địa phương khác trên cả nước.
Trung bình tổng giao dịch thương mại điện tử của cả hai thành phố trên chiếm khoảng 70% tổng giao dịch thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới khách hàng (B2C) cả nước.
Lý giải nguyên nhân này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc phát triển không đồng đều đến từ nhiều yếu tố như trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp, hạ tầng logistics, hạ tầng thanh toán, quy mô dân số.
Hơn nữa, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có lợi thế so với nhiều địa phương khác ở mức độ ứng dụng công nghệ thông tin cao, quy mô dân số lớn, hạ tầng logistics thuận tiện do địa thế đồng bằng, tỷ lệ dân số sở hữu điện thoại thông minh cao…
Nhằm giảm bớt khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương, Bộ Công Thương đã có những giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử bằng chương trình xúc tiến, hỗ trợ trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng triển khai chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu.
Mặt khác, Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh trục hợp đồng điện tử Việt Nam chính thức ra mắt vào tháng 6/2022 đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc kiểm tra, xử lý, trao đổi thông tin hợp đồng điện tử trong thương mại.
Bên cạnh đó còn có Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday 2022, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử Go Online cung cấp giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, tối ưu quy trình vận hành nâng cao năng suất, thúc đẩy doanh số bán hàng...
Chìa khoá để tăng tốc
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Hưng - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng nhanh trong năm 2023.
Với đà tăng trưởng 2 con số như hiện nay, đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.
Còn theo ông Nguyễn Bình Minh, trong 6 tháng đầu năm 2023, thương mại điện tử vẫn tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng và sẽ chậm lại vào 6 tháng cuối năm do tác động từ tình hình kinh tế thế giới và các cuộc xung đột địa chính trị.
Đặc biệt, trong năm 2023 Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là hành lang pháp lý có độ tin cậy cao, nhất là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử sẽ có căn cứ để xử lý tốt hơn.
Để thương mại điện tử tiếp tục phát triển, thể hiện vai trò đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Quyết định số 32/QĐ-BCT ngày 9 tháng 1 năm 2023 về Chương trình hành động của ngành công thương; trong đó, yêu cầu triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; đảm bảo thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, ưu tiên hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương dự kiến tăng cường phối hợp với các bộ ngành nhằm chia sẻ dữ liệu liên quan đến thương mại điện tử; đồng thời có phương án điều chỉnh vấn đề phát sinh trong quản lý sau khi Nghị định quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được ban hành.
Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội; xây dựng và có hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật với wesbite/ứng dụng vi phạm pháp luật.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ Công Thương cũng nâng cao năng lực dự báo cho thương mại điện tử địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu dự báo chuyển đổi số ngành công thương và cung cấp dữ liệu tham chiếu dự báo thương mại điện tử đến 63 tỉnh/thành phố.