Ngành thương mại điện tử và chuỗi bán lẻ: Hai 'gam màu' trái ngược

Trang Nguyễn 07:31 | 09/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giai đoạn hậu đại dịch, các doanh nghiệp ngành thương mại điện tử (TMĐT) đã có những bước chuyển mình vượt bậc. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chuỗi bán lẻ vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc.

Với ngành TMĐT, 2022 là một năm đầy sôi động với nhiều chương trình kích cầu và khuyến mại. Theo báo cáo của Metric, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, tổng doanh số của 4 sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki và Sendo đã đạt gần 18.000 tỷ đồng. 

Năm nay, thị trường TMĐT Việt Nam đón nhận sự ra đời của sàn TMĐT mới - TikTok shop, góp phần tạo ra sự tái cơ cấu thị phần trong ngành TMĐT Việt Nam. Ra mắt vào tháng 4/2022, chỉ trong vòng 3 tháng, TikTok Shop đã thu về doanh số khổng lồ, tương đương với mức Tiki gây dựng 12 năm. Nền tảng này cũng chỉ mất 6 tháng để gần đạt doanh số của Lazada gây dựng trong 10 năm tại Việt Nam. 

Theo sách trắng TMĐT Việt Nam 2022, Việt Nam có đến gần 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Trong đó, 3 mặt hàng được mua sắm trực tuyến nhiều nhất lần lượt là Quần áo, giày dép và mỹ phẩm (69%), Thiết bị đồ dùng gia đình (64%) và Đồ công nghệ và điện tử (51%).

 Các loại hàng hoá, dịch vụ thường được mua sắm trực tuyến (Nguồn: Sách trắng TMĐT 2022)

Dữ liệu dự báo từ Google, Temasek và Bain&Company cho thấy, doanh thu kinh tế internet của Việt Nam Đến năm 2025 sẽ tăng lên thành 57 tỷ đô la Mỹ, tăng 171% so với năm 2021. So với các nước trong khu vực, quy mô kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 bằng Malaysia, kém Indonesia (70 tỷ đô la Mỹ) và Thái Lan (30 tỷ đô la Mỹ), hơn Philipines (17 tỷ đô la Mỹ) và Singapore (15 tỷ đô la Mỹ).

Theo dự báo của Sách trắng TMĐT Việt Nam, năm 2022, quy mô thị trường TMĐT tại Việt Nam sẽ đạt 16,4 tỷ đô la Mỹ. Còn CBRE Châu Á dự đoán, doanh thu từ thị trường này của Việt Nam trong năm 2025 sẽ đạt khoảng 25-27 tỷ đô la Mỹ.

Với ngành chuỗi bán lẻ, 2022 là năm các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển bằng cách tái cơ cấu và cố gắng bù lỗ. Tính đến ngày 8/12, theo thông tin trên website Bách Hóa Xanh, chuỗi bán lẻ bách hóa này chỉ còn 1.731 cửa hàng hoạt động trên toàn quốc, giảm 409 cửa hàng so với tháng 5 năm nay. Tương tự, chuỗi nhà thuốc Pharmacity đã đóng cửa 118 cửa hàng, giảm số nhà thuốc đang hoạt động xuống còn 1030 cửa hàng. 

Ngược lại, 2022 là năm khá tích cực đối với chuỗi bán lẻ Winmart và Winmart+. Tốc độ phát triển của doanh nghiệp có vẻ mạnh hơn trong năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động giao thương trở lại bình thường. Chỉ trong nửa đầu năm nay, WinCommerce đã khai trương 5 siêu thị WinMart và 301 siêu thị mini WinMart+, nâng tổng số siêu thị WinMart lên 127 và WinMart+ lên 2.873 điểm bán. Tập đoàn đặt mục tiêu khai trương 800 cửa hàng mới trong nửa cuối năm 2022 nhằm mở rộng mạng lưới bán lẻ, trong đó có hơn 100 cửa hàng đi theo mô hình nhượng quyền.

 

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, luỹ kế 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn 15% so với 11 tháng năm 2019 - thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh. 

Theo khảo sát của Vietnam Report, 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch dù vẫn còn sự phân hóa giữa các ngành hàng. Trong đó, tỉ lệ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh vận hành các chuỗi bán lẻ hàng lâu bền cao như điện máy, vàng bạc nữ trang, hàng công nghệ cao hơn hẳn so với chuỗi hàng tiêu dùng nhanh.