Phí giao hàng tăng chóng mặt mùa dịch

16:31 | 11/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ khi làn sóng dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương thì kéo theo phí dịch vụ giao hàng trong và ngoài địa bàn cũng tăng theo đáng kể.

Thời gian vừa qua, tình trạng phí giao hàng tăng lên đáng kể, nhất là trên địa bàn các thành phố lớn như Tp.HCM hay Hà Nội do sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã được báo chí và các phương tiện truyền thông phản ánh rất nhiều. 

Theo VnExpress, chị Hoa sống tại quận Gò Vấp (Tp.HCM) chia sẻ rằng dịch bệnh hạn chế ra đường nên chị nhờ người nhà ở Kon Tum gửi cho thùng đồ ăn (rau củ, thịt cá....) nặng 15 kg. Khi đi gửi, người thân của chị tá hoả vì giá vận chuyển tăng chóng mặt. Nếu trước đây thùng hàng trên có giá cước 50.000 đồng, nay tăng gấp 4 lần lên 200.000 đồng.

Khi đến địa bàn thành phố, nhà xe phải thuê thêm shipper giao hàng tới nhà chị với giá cước 150.000 đồng nữa, tăng gấp 3 so với trước dịch. Tổng cộng, phí cước chị phải trả cho thùng thực phẩm 15 kg từ Kon Tum gửi đến tay chị là 350.000 đồng.

Phí giao hàng tăng chóng mặt mùa dịch - ảnh 1

Phí giao đồ có khi ngang ngửa với giá món hàng được vận chuyển ở thời điểm hiện tại. Ảnh minh họa, nguồn: Tuổi Trẻ

Không chỉ giao hàng từ tỉnh khác vào Tp.HCM phí ship cũng tăng mà dịch vụ trong nội thành cũng chứng kiến tình trạng tương tự. 

Một người dân đặt mua 15 ổ bánh mì từ quận 1 ship sang quận 4 nhưng phải chịu cái giá lên tới 90.000 đồng/lượt và phải nghe lời lý giải của người bán giá cao đang là lúc cao điểm, tiệm không có lựa chọn nào khác nên nếu khách đồng ý thì giao, không thì khách hủy đơn hàng. Thậm chí nhiều người phải chấp nhận click vào mục "cộng thêm" cho shipper tiền thì mới tìm được người. 

Trên các sàn thương mại điện tử, nhiều người "than" cũng phải từ bỏ việc mua hàng khi thấy phí vận chuyển bị "đội" lên quá cao, ngang với giá mặt hàng. 

Được biết, đại diện đơn vị cung ứng dịch vụ giao hàng xác nhận đều xác nhận giá tăng trong thời buổi giãn cách xã hội. Lộ trình ngoằn nghèo, vượt qua các chốt chặn, rủi ro về sức khỏe của tài xế... là những lý do mà các doanh nghiệp đưa ra khi được hỏi về nguyên do tăng giá. 

Ông Phan Tường Bách - Giám đốc vận hành Ahamove - cho biết, mức tăng phí cước giao hàng tùy vào thời điểm. Vào cao điểm, thiếu shipper, phí cước có thể tăng gấp 4 lần. Việc tăng phí nhằm cân bằng giữa nhu cầu khách hàng và quyền lợi shipper trong tình hình dịch bệnh. 

Tương tự là Gojek, khi hệ thống trên ứng dụng này ghi nhận mỗi ngày có hàng chục ngàn đơn hàng, tăng 5-6 lần so với thời điểm lúc trước dịch bệnh. Lượng shipper lại giảm, việc nhận hàng, vận chuyển đều tốn nhiều thời gian hơn trước nên phải tăng giá cước để vừa đảm bảo quyền lợi của tài xế, vừa đáp ứng được đơn hàng của khách. 

Tình trạng hiếm tài xế, cầu vượt cung khiến doanh nghiệp phải ra sức tung ra những chính sách thưởng thêm tiền không phụ thuộc vào hiệu suất hoạt động hay hỗ trợ thưởng thêm hàng ngày nhằm giúp tài xế yên tâm hơn khi duy trì hoạt động, đồng thời đảm bảo có đủ lượng nhân sự nhằm đáp ứng các nhu cầu giao hàng và đặt đồ ăn trực tuyến ngày càng tăng. 

Nguyên nhân đến từ chính sách?

Tại cả Hà Nội và Tp.HCM đều tung ra những quy định nhằm "siết" hoạt động giao hàng trong thời gian giãn cách xã hội trong chỉ thị 16. 

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh từ 26/7 yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper thực hiện ngay việc rà soát đội ngũ nhân viên giao hàng của đơn vị và điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy. Hay những quy định liên quan đến việc không được giao hàng liên quận ở Hà Nội đang làm khiến chi phí ship tăng vọt. 

Điều này khiến hoạt động giao hàng bị hạn chế rất nhiều, nhiều khi rơi vào trạng thái tê liệt khiến nhiều hộ kinh doanh, tiểu thương, người bán hàng online cảm thấy rơi vào bế tắc. 

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, vận hành tốt hoạt động TMĐT sẽ góp phần quan trọng cho việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Hoạt động TMĐT được thực hiện trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhưng với hàng hoá hữu hình không thể tách rời đội ngũ giao hàng. Nhu cầu của người dân hiện không đổi so với thời điểm so với giãn cách. Do đó, cần đánh giá đúng hơn vai trò của đội ngũ shipper. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ yêu cầu các chốt kiểm soát tạo điều kiện, coi người giao hàng đang làm nhiệm vụ chống dịch. 

Nếu giải quyết không khéo, đông đảo người giao hàng nghỉ việc, thất nghiệp bởi dịch bệnh chắc chắn sẽ kéo theo tình trạng trì trệ, ách tắc và dẫn đến khủng hoảng chuỗi cung ứng. Cuối cùng, phía chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn là doanh nghiệp và người dân đang chịu giãn cách xã hội ở mức cao. 

H.S

Xem thêm: Chiều 11/8, giá xăng giữ nguyên, giá dầu giảm