Phía sau làn sóng mua bán cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp

10:01 | 30/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đón nhận làn sóng doanh nghiệp mua bán cổ phiếu quỹ để hỗ trợ thị giá cổ phiếu. Điều gì khiến các doanh nghiệp thực hiện việc mua bán cổ phiếu quỹ này?
 
Việc chào bán cổ phiếu ra công chúng thường là một cách hiệu quả để huy động vốn. Tuy nhiên, sẽ có những thời điểm mà doanh nghiệp có thể muốn mua lại một lượng cổ phiếu đã phát hành này. Khi đó, lượng cổ phiếu do chính doanh nghiệp mua lại được gọi là Cổ phiếu quỹ.
 
Trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã lên kế hoạch bán lại cổ phiếu quỹ để tăng tiền mặt nắm giữ.

Đây được xem là giải pháp cần thiết của các doanh nghiệp nhằm bình ổn giá cổ phiếu và trấn an tâm lý nhà đầu tư trong đợt suy giảm lớn nhất của thị trường chứng khoán hiện nay.
 
Phía sau làn sóng mua bán cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp - ảnh 1

Tại sao hàng loạt doanh nghiệp muốn bán cổ phiếu quỹ?

Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng – DIC Corp (DIG) mới thống nhất chủ trương bán 8,26 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, thời gian dự kiến hoàn tất trong quý 4/2020.

Trên thị trường, DIG cũng đang tăng khá nhanh, thị giá tăng cao gấp đôi chỉ sau vài tháng. Hiện, thị giá DIG tiến sát vùng 22.000đồng/cp, dự kiến DIC Corp sẽ thu về 181 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu quỹ.

Được biết số cổ phiếu quỹ này được DIC Corp mua vào hồi tháng 4/2020 với tổng giá trị chỉ hơn 90 tỷ đồng, giữa bối cảnh cổ phiếu Công ty giảm sâu bởi ảnh hưởng dịch Covid-19. Như vậy sau khoảng 7 tháng nắm giữ, DIC Corp đã thu về lợi nhuận khoảng 90% từ thương vụ này.

Thông tin về Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM) cũng sẽ bán toàn bộ 310.099 cổ phiếu quỹ, thời gian làm thủ tục chậm nhất đến ngày 31/12/2020 gây ngạc nhiên cho giới doanh nghiệp. Vì Vinamilk đã liên tục tăng trưởng cả doanh thu lẫn cổ phiếu bất chấp dịch COVID-19.

Kết thúc quý 3/2020, Vinamilk tiếp tục thu về 15.563 tỷ doanh thu thuần, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn vào doanh thu là thị trường nội địa với 13.264 tỷ đồng, tăng 8,9%. Theo lý giải từ Vinamilk, đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 vào cuối tháng 7/2020 đã có tác động đến hoạt động bán hàng song tình hình đã được cải thiện trong tháng 9/2020. Phần lớn các ngành hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ 2019 nhờ chiến lược tiếp thị phù hợp và ra mắt sản phẩm mới như sữa tươi và sữa bột trẻ em có chứa tổ yến.

Tháng 8/2020 HĐQT Vietjet (VJC) cũng ra quyết định chuyển nhượng 17,77 triệu cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư chiến lược để tăng lượng tiền mặt nắm giữ. Số cổ phiếu quỹ này được VJC mua vào chưa đầy 1 năm, tương đương 3,28% vốn điều lệ. Tuy nhiên, do chịu áp lực nặng từ dịch COVID-19, vì cần tăng lượng tiền mặt nắm giữ nên HĐQT VJC cho biết đã thông qua việc chuyển nhượng số cổ phiếu này.

Giao dịch dự kiến thực hiện phương thức thoả thuận trong hoặc ngoài biên độ giá cho phép. Thương vụ này nhằm mục đích cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn chủ sở hữu, tối ưu hoá bảng cân đối tài chính và đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận.

HĐQT Yeah1 (YEG) cũng vừa thông qua phương án bán hơn 1,77 triệu cổ phiếu quỹ nhằm thu nguồn tiền bổ sung vốn kinh doanh và đầu tư. Được biết, mức giá bán cổ phiếu quỹ YEG đưa ra trong khoảng từ 35.000 – 85.000 đồng/cp.

Về Yeah1, sau sự cố với YouTube, hiện doanh nghiệp đang cần vốn để thiết lập nền tảng kinh doanh mới. Ngày 24/11 mới đây, Yeah1 chính thức cho ra mắt hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ bán lẻ Giga1 sau một thời gian khai phá, dung dưỡng và định hình. Được biết, Giga1 là nền tảng truyền thông tích hợp với 56 tỷ views; 48 triệu người dùng, hướng đến chiến lược "media – commerce".

Không ít nhà phân tích còn cho rằng, dòng tiền mua cổ phiếu quỹ tương đương với việc chi trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông, thậm chí là đem lại lợi ích lớn hơn khi xét về chênh lệch trong mức độ thuế thu nhập mà cổ đông phải nộp.

Thực tế, tận dụng lúc thị trường tích cực, nhiều doanh nghiệp đã bán những khoản cổ phiếu quỹ mua vào với giá thấp trước đó ở mức giá cao.

Dù khoản chênh lệch không được hạch toán vào lợi nhuận, nhưng vẫn giúp cải thiện dòng tiền, làm tăng thặng dư vốn cổ phần trên báo cáo tài chính.
 
Mỹ Duyên
 
 
 
 
 

ĐỌC NHIỀU