Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc mới được bổ nhiệm của Tập đoàn GFS là ai?
Ngày 1/10/2021, Hội đồng Quản trị Tập đoàn GFS đã thông qua Nghị quyết bổ nhiệm bà Nguyễn Hồng Hạnh - Phó Tổng Giám đốc thường trực đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh từng tốt nghiệp Cử nhân Đại học Luật Hà Nội năm 2001 và là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh Đại học Benidictine (Chicago, Mỹ) năm 2013. Năm 2011 bà Nguyễn Hồng Hạnh được được quyết định kết nạp Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh gia nhập Tập đoàn GFS từ tháng 7/2020 với vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn kiêm Viện phó Viện Công nghệ GFS. Trong thời gian hơn một năm công tác tại Tập đoàn GFS, bà Nguyễn Hồng Hạnh đã có những đóng góp, sáng kiến cải tiến để phát triển Tập đoàn; đồng bộ, chuyên nghiệp hoá các đơn vị chuyên môn được giao phụ trách như Đầu tư, Tài chính, Kế toán, Kinh doanh, Truyền thông… Đồng thời triển khai kinh doanh thành công dự án Five Star West Lake (167 Thụy Khuê, Hà Nội); tái cấu trúc và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh các công ty thành viên; xúc tiến mở rộng hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước nhằm phát triển các lĩnh vực nghiên cứu, kinh doanh mới của Tập đoàn như Công nghệ Xây dựng, Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao,…
Trước khi gia nhập GFS, Bà Hạnh đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản trị điều hành doanh nghiệp với các vị trí lãnh đạo cấp cao tại những tổ chức, doanh nghiệp có quy mô lớn như: Phó Giám đốc Phòng giao dịch Tân Mai ngân hàng Agribank Chi nhánh Hà Nội; Giám đốc Dự án Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Đất Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dược phẩm Trung ương 2…
Theo thông tin từ Vneconomy, bà Hạnh là người quyết đoán, sáng tạo, đổi mới, tận tâm với công việc, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật phải kể đến Agribank Chi nhánh Hà Nội, nơi bà Nguyễn Hồng Hạnh công tác gần 15 năm, luôn là một trong những top đầu Chi nhánh có thành tích xuất sắc trong gần 2.300 Chi nhánh/Phòng giao dịch của Agribank trên toàn quốc.
Ngoài ra, ảnh hưởng sâu sắc bởi “triết lý nhân sinh”, bà Nguyễn Hồng Hạnh rất chú trọng các chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, phát triển bản thân cho đội ngũ CBNV. Đặc biệt, trong giai đoạn toàn quốc gồng mình phòng chống dịch COVID-19, nhằm đảm bảo an toàn cho CBNV, đối tác thân thiết, không bỏ lại ai phía sau, bà Nguyễn Hồng Hạnh đã đưa ra sáng kiến tặng bộ thiết bị cùng thuốc phục vụ phòng, chống, phát hiện và điều trị bệnh SARS-CoV-2 theo tư vấn của các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai. Hành động này của Tập đoàn GFS đã được cán bộ nhân viên, đối tác thân thiết đánh giá cao, thể hiện rõ nét văn hoá nhân văn nhưng rất thiết thực của Tập đoàn.
Được biết, việc Tập đoàn GFS bổ nhiệm Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc mới nằm trong kế hoạch tái cấu trúc, bồi dưỡng và chuyển giao công tác quản trị, điều hành theo mục tiêu phát triển dài hạn của Tập đoàn.
Hội đồng Quản trị Tập đoàn GFS tin tưởng và kỳ vọng với tư duy đổi mới, sáng tạo, sự quyết liệt và trách nhiệm cao, bà Nguyễn Hồng Hạnh cùng với Ban Điều hành sẽ đưa Tập đoàn phát triển ở một tầm cao mới, trên cơ sở bền vững, hài hoà, đóng góp vào sự phát triển, thịnh vượng chung của đất nước.
Còn về GFS, Tập đoàn này tiền thân là đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 thuộc Bộ GTVT được cổ phần hóa năm 2005.
Được thành lập vào năm 1997 với lĩnh vực lắp ráp, sản xuất xe máy, GFS lúc đó với tên gọi Ciri vẫn chỉ là một doanh nghiệp nhỏ trên thị trường. Tuy nhiên chỉ một năm sau đó, bằng sự sáng tạo và nhanh nhạy trong việc tích hợp các nhân tố hỗ trợ tích cực, “Thiên thời – địa lợi – nhân hòa” đã đưa Ciri vươn lên là một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất xe máy lớn của Việt Nam lúc bấy giờ.
Không dừng lại ở những thành công ban đầu, ngay sau khi cổ phần hóa, GFS chuyển đổi hoạt động theo mô hình đầu tư chuyên nghiệp. Đến nay, GFS đã trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành với 05 lĩnh vực đầu tư chính: Bất động sản - Xây dựng, Khoa học - Công nghệ, Công nghiệp, Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, Đào tạo, Phát triển nhân lực.
Những dự án BĐS nổi bật đã triển khai: Five Star Garden (số 2 Kim Giang, Hà Nội), Five Star Mỹ Đình (KĐT Mỹ Đình, Hà Nội), Five Star West Lake (167 Thuỵ Khuê, Hà Nội),…
Viện Công nghệ GFS được thành lập năm 2015, là thành viên đồng thời của VUSTA và Tập đoàn GFS. Đến nay, viện đã quy tụ và hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu trong nước thuộc: Viện Hàn Lâm KHCN Việt Nam, Trường ĐH Bách khoa HN, ĐH Thủy lợi,.. cũng như các chuyên gia quốc tế từ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Isarel, Ucraina trong các hoạt động: Nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ và triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực: Công nghệ xây dựng; Nông nghiệp hữu cơ và Thủy sản công nghệ cao; Năng lượng tái tạo; Công nghệ sinh học… Viện Công nghệ GFS hiện đang sở hữu trên 40 phát minh, sáng chế trong lĩnh vực xây dựng gồm: Nền móng, kết cấu, vật liệu và các giải pháp công nghệ tối ưu khác.
Ông chủ của GFS là ai?
Theo Vietnamfinace, pháp nhân trung tâm của Tập đoàn GFS là Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (viết tắt là CIRI), có trụ sở chính tại số 508 đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT của CIRI là ông Phạm Thành Công với tỷ lệ sở hữu 34,63%. Ông Công cũng đồng thời giữ chức danh lãnh đạo của nhiều đơn vị thành viên trong hệ thống Tập đoàn GFS.
GFS nói chung và CIRI nói riêng bước chân vào lĩnh vực bất động sản tương đối muộn, bắt đầu từ năm 2014 với dự án Five Star Garden. Sau thành công của dự án này, GFS mở rộng đầu tư và hiện sở hữu thêm ít nhất 5 dự án nhà ở khác tại Thủ đô với thương hiệu “Five Star” gồm: Five Star Mỹ Đình, Five Star Residence, Five Star Hà Đông, Five Star West Lake và Five Star Trường Chinh. Trong số các dự án này, Five Star West Lake được xem là dự án cao cấp nhất (quy mô một tòa nhà cao 14 tầng với chỉ 32 căn hộ bán).
Mang danh một chủ đầu tư bất động sản, nhưng thực tế CIRI lại sống nhờ vào đầu tư tài chính. Đã thế, hoạt động kinh doanh của công ty lại ngày một đi xuống.
Theo đó, trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của CIRI giảm liên tục, từ 631 tỷ đồng xuống 508 tỷ đồng rồi xuống 463 tỷ đồng.
Biên lãi gộp “mỏng dính” với lợi nhuận gộp thực đạt chỉ đạt: 7,7 tỷ đồng, 5,3 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng.
So với các khoản chi phí lớn và liên tục gia tăng (như chi phí tài chính tăng từ 50 tỷ đồng lên 85 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng từ 8,7 tỷ đồng lên 35,5 tỷ đồng), khoản lợi nhuận gộp này không khác gì “muối bỏ biển”.
CIRI là doanh nghiệp nghìn tỷ, trong giai đoạn 2017 – 2019, tổng tài sản của công ty tăng trưởng khá đáng kể, từ 1.825 tỷ đồng lên 2.353 tỷ đồng, tương đương tăng 29%.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất khi xem xét cơ cấu tài sản CIRI là tốc độ gia tăng chóng mặt của các khoản phải thu ngắn hạn, từ 322 tỷ đồng (2017) lên 1.205 tỷ đồng (2019), tức tăng gấp 4 lần.
Trong vòng 3 năm, tỷ trọng của các khoản phải thu ngắn hạn trong tổng tài sản đã tăng một mạch từ 17,6% lên hơn 51%.
Trong bối cảnh đó, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của CIRI giảm mạnh từ 964 tỷ đồng (khoảng một nửa tổng tài sản năm 2017) xuống 630 tỷ đồng (chỉ bằng khoảng 1/4 tổng tài sản năm 2019). Đây chính là nguồn cơn dẫn đến tình trạng doanh thu tài chính (“niêu cơm” chính của CIRI) giảm mạnh qua các năm (đã nói ở phần trên).
Về nguồn vốn, nợ phải trả của CIRI trong cùng giai đoạn trên tăng mạnh từ 1.283 tỷ đồng lên 1.707 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng từ 541 tỷ đồng lên 646 tỷ đồng.
Do vốn chủ sở hữu tăng chậm hơn, trong khi nợ phải có giá trị rất lớn (chiếm 2/3 tổng tài sản tính đến 2019) nên hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty ngày càng bị “đội” lên, từ 2,3 lần (năm 2017) lên 2,6 lần (năm 2019).
Chỉ xét riêng về nợ vay, tổng nợ vay của CIRI năm 2019 cũng đã đạt 1.058 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Đây là một hệ số khá cao, ngay cả với những ngành thâm dụng vốn như bất động sản.