Phó Thống đốc NHNN: Tín dụng tăng trưởng trong quý I ở mức rất cao

Vi Văn Di 14:52 | 05/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng tín dụng 2022 là 14%, tính từ đầu năm đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%.

Tín dụng quý I/2022 tăng trưởng gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 được tổ chức chiều 4/4, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, mục tiêu tăng tín dụng năm 2022 là 14% nhưng NHNN vẫn đang đánh giá các mục tiêu chính sách tiền tệ để có điều chỉnh vào cuối năm cho phù hợp với diễn biến thực của nền kinh tế vĩ mô.

Tăng trưởng tín dụng cao hơn so với dự kiến và cao hơn so với cùng kỳ năm trước phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế. Vốn tín dụng sẽ đóng góp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cũng như các hộ kinh doanh.

Tính đến thời điểm hết tháng 3/2022, mức tăng trưởng tín dụng quý I đạt 5,04% là khá tích cực, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 2,16%, tức là đã tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu rất tích cực, đồng thời chứng minh các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ rất hiệu quả. Đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp cũng đã trở lại bình thường.

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo NHNN, mức tăng trưởng tín dụng theo quý như vậy so với các năm trước là rất cao. Vì thế, đối với từng quý và cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát.

Đã xử lý 380.000 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42

Trao đổi xung quanh Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "Nghị quyết 42 có tác động tích cực, số nợ xấu đã được xử lý trong các năm qua đạt khoảng hơn 380.000 tỷ đồng. Đây là khối lượng vốn lớn đã được giải phóng, quay vòng, tái tạo nguồn vốn cho nền kinh tế, giảm thiểu nhiều lãng phí, mang lại cả lợi ích chung và lợi ích cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp".

Đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 chỉ có thời hạn hiệu lực trong 5 năm. NHNN đã tham mưu cho Chính phủ, từ đó báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghiên cứu ban hành Luật Xử lý nợ xấu thời gian tới.

Nhưng để có luật cần có thời gian nghiên cứu khảo sát đánh giá tác động. Trong khi đó, nếu không kéo dài Nghị quyết 42 sẽ có "khoảng trống" khiến một số khoản nợ thuộc đối tượng không có cơ sở pháp lý để giải quyết.

Hơn nữa, tình hình dịch 2 năm qua tác động đến nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực, khiến nợ xấu sẽ xuất hiện thêm. Nếu tiếp tục kéo dài Nghị quyết 42 sẽ giúp có cơ sở pháp lý xử lý khoản nợ phát sinh, tạo sự tích cực, lợi ích chung cho doanh nghiệp, xã hội, ngân hàng. Do đó, Chính phủ đã trình UBTVQH làm thủ tục cho phép kéo dài Nghị quyết 42 trong thời gian tới.

 

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42. Hiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 được Ngân hàng Nhà nước xây dựng và lấy ý kiến theo hướng kéo dài thời hạn áp dụng đến ngày 15/8/2025 thay vì hạn cuối là 15/8/2022.